Hiện giờ đang kinh doanh 1 chuỗi khách sạn ở quê nhà Ghana nhưng trong những năm 1990 Tony Yeboah từng là tiền đạo nổi tiếng thế giới, là một trong những cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất ở giải Bundesliga và cũng từng chơi 2 mùa ở Leeds United. Tại Anh, tên tuổi của ông gắn liền với bàn thắng tuyệt đẹp vào lưới đội Wimbledon mà hiện vẫn có thể xem lại trên YouTube. Đón bóng bằng ngực một cách thành thạo, ông tiếp tục dẫn bóng lắt léo xuyên qua hàng hậu vệ trước khi sút bóng vào đúng góc trên khung thành và ghi bàn.
Những bàn thắng tuyệt đẹp sẽ ở lại trong tâm trí khán giả lâu hơn nhiều so với trận đấu dù đó có là trận chung kết. Trong đầu tư cũng vậy. Thành công là kết quả tích tụ sau nhiều lần chiến thắng trước thị trường. Nhưng giao dịch khiến người ta nhớ mãi sẽ là cú đặt cược lớn đem về khoản lợi nhuận kếch xù. Một trong số đó chính là "The Big Short", cú đặt cược lớn chống lại các khoản nợ thế chấp dưới chuẩn ngay trước thềm khủng hoảng 2008 đã được tường thuật lại trong cuốn sách cùng tên của tác giả Michael Lewis.
Ở thời điểm hiện tại thị trường đang có diễn biến tương tự. Giá cổ phiếu tăng vọt cùng với làn sóng nhà đầu tư F0 hung hãn khiến từ "bong bóng" thường trực trên môi nhiều nhà đầu tư. Mới đây Aaron Brown (ĐH New York) và Richard Dewey (quỹ đầu cơ Royal Bridge Capital) đã thực hiện 1 nghiên cứu đào sâu "The Big Short" và rút ra 1 kết luận đáng chú ý. Theo họ, cú đặt cược chống lại nợ dưới chuẩn có mức độ rủi ro cao hơn rất nhiều so với những gì vẫn được tường thuật lại. Họ cũng kết luận rằng cách giải thích 1 ý tưởng trading cũng quan trọng không kém so với bản chất của ý tưởng đó.
Trước tiên hãy nhắc lại một chút về khủng hoảng nợ dưới chuẩn. Thời kỳ giữa những năm 2000, giá nhà ở nhiều quốc gia phát triển đã tăng lên nhanh chóng. Tại Mỹ, các khoản vay thế chấp cũng tăng mạnh mà chủ yếu là những khoản nợ được giải ngân cho những người cho vay "dưới chuẩn" với mức xếp hạng tín dụng thấp. Rủi ro càng tăng lên khi các khoản nợ này được gộp lại và "đóng gói" thành các chứng khoán nhưng lại được xếp hạng AAA.
Cơn sốt nhà đất ở Mỹ khi đó có đầy đủ các dấu hiệu của 1 bong bóng: tiền rẻ, nợ tích tụ và niềm tin rằng chẳng có rủi ro nào cả. Nếu bạn nhận thức được đó là bong bóng, bạn sẽ đặt cược như thế nào? Nhiều người thông minh biết rằng các trái phiếu dưới chuẩn sẽ có xác suất vỡ nợ cao hơn mức giá hoặc mức xếp hạng tín dụng của chúng. Vì thế họ đặt cược chống lại phần rủi ro nhất trong nhóm tệ nhất. Họ tham gia các hợp đồng hoán đổi tín dụng (CDS) với các ngân hàng, những hợp đồng sẽ bảo vệ họ nếu như các trái phiếu này vỡ nợ. Năm 2007 và 2008, tỷ lệ vỡ nợ tăng lên và hợp đồng CDS được kích hoạt. Phần thưởng dành cho họ cũng ấn tượng như bàn thắng của Tony Yeboah.
Nhưng tại sao không có nhiều người đặt cược theo cách này? Theo Brown và Dewey, mức phí của các hợp đồng bảo hiểm CDS là khá cao, thêm vào đó CDS là công cụ có tính thanh khoản thấp.
Các nhà đầu tư đã tìm thấy những cách khác để đặt cược chống lại bong bóng. Một trong số đó là tránh vấn đề chi phí bằng cách mua chứng khoán dưới chuẩn có cấp độ rủi ro ít hơn (nhưng vẫn có lợi suất ở mức 2 con số), cùng lúc đó mua các CDS trên những trái phiếu AAA vốn có mức phí thấp hơn. Khi bong bóng vỡ, tất cả các tài sản đều bị ảnh hưởng nhưng trong lúc chờ đợi thảm họa thì bạn vẫn có thể hưởng lợi. Có lẽ cách tốt nhất để kiếm lời từ bong bóng trong trường hợp này là mua trái phiếu thế chấp ở mức giá siêu rẻ sau khi bong bóng đã vỡ.
Nghiên cứu rút ra kết luận sự chắc chắn có thể là kẻ thù của bạn. Dù bạn biết chắc rằng có thứ gì đó không ổn, chỉ như vậy là chưa đủ để bạn có thể kiếm được tiền. Tính bấp bênh là phần quan trọng tạo nên huyền thoại The Big Short. Câu chuyện có thể đã diễn ra theo cách hoàn toàn khác. Nếu cú sút của Yeboah chỉ cao hơn 1 inch, ông đã không ghi được bàn thắng. Nhưng Yeboah không chỉ ăn may mà đó còn là kỹ năng. 1 tháng sau, ông có bàn thắng đẹp tương tự vào lưới Liverpool.
Tham khảo The Economist