Nhiều tổ chức tài chính cho biết họ chấp nhận cho Kingold thế chấp vàng vay tiền bởi các khoản vay được đảm bảo bởi một công ty bảo hiểm nhà nước.
Thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc mới đây lại trở thành tâm điểm truyền thông khi là nơi xảy ra một trong những vụ lừa đảo vàng giả lớn nhất vài năm trở lại đây.
Theo truyền thông địa phương, công ty Kingold Jewelry, có trụ sở tại Vũ Hán và niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq, đã dùng 83 tấn vàng giả làm tài sản thế chấp để vay số tiền 2,8 tỷ USD từ ít nhất 14 tổ chức tài chính Trung Quốc. Số vàng này tương đương 22% sản lượng vàng hàng năm của Trung Quốc và 4,2% dự trữ vàng năm 2019 của nước này.
Sự việc vỡ lở vào hồi tháng 2, khi một trong các chủ nợ - công ty ủy thác Dongguan - tiến hành thanh lý tài sản thế chấp của Kingold và phát hiện rằng các thỏi vàng thực chất là hợp kim đồng mạ vàng.
Jia Zhihong, người sáng lập Kingold. Ảnh: Caixin. |
Thông tin này gây ra cú sốc lớn với các chủ nợ của Kingold. China Minsheng Trust Co. Ltd., một trong những chủ nợ lớn nhất, đã gửi đơn lên tòa yêu cầu kiểm tra tài sản thế chấp của Kingold trước khi khoản vay đáo hạn.
Ngày 22/5 vừa qua, kết quả kiểm tra cho thấy số vàng mà Kingold thế chấp tại Minsheng Trust cũng là hợp kim đồng.
Theo Caixin, tổng các khoản vay mà Kingold chưa trả hiện lên tới 16 tỷ NDT (2,2 tỷ USD).
Ai phải chịu trách nhiệm?
Hợp đồng bảo hiểm phát hành bởi công ty nhà nước PICC Property and Casualty Co (PICC P&C) và một vài hãng bảo hiểm nhỏ khác là nhân tố chính giúp Kingold vay được số tiền 2,8 tỷ USD trên.
“Nếu không có hợp đồng bảo hiểm của PICC P&C, chúng tôi sẽ không cho Kingold vay bởi tài sản thế chấp chỉ được kiểm tra với vài mẫu ngẫu nhiên", một đại diện từ tổ chức tín dụng cho Kingold vay cho biết.
Chi nhánh công ty bảo hiểm PICC P&C tại Hồ Bắc là đơn vị bảo hiểm hầu hết khoản vay của Kingold. Ảnh: Caixin. |
Theo Caixin, chi nhánh của PICC P&C tại Hồ Bắc đã đứng ra bảo đảm cho hầu hết khoản vay của Kingold với các tổ chức tài chính trên. Các hợp đồng bảo hiểm này đều hết hạn vào tháng 10 tới.
PICC P&C đang đối mặt với hàng loạt vụ kiện đòi bồi thường của các chủ nợ của Kingold. Tuy nhiên, người phát ngôn của công ty này cho biết theo các điều khoản, bảo hiểm chỉ được chi trả trong các trường hợp tài sản thế chấp bị tổn thất do tai nạn, thảm họa hay trộm cướp.
Theo luật sư Wang Guangming của Văn phòng Luật Dacheng, vấn đề mấu chốt là chuyện gì đã xảy ra với số vàng giả và bên nào đã biết được chúng là giả từ trước.
Nếu Kingold làm giả số vàng và cả công ty bảo hiểm lẫn các bên cho vay đều không biết, công ty bảo hiểm sẽ phải bồi thường cho bên cho vay và kiện Kingold gian lận bảo hiểm. Công ty bảo hiểm cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường nếu họ biết về hành vi lừa đảo của Kingold, luật sư Wang cho biết.
Trong trường hợp cả Kingold và các chủ nợ đều biết về số vàng giả, công ty bảo hiểm có thể chấm dứt hợp đồng bảo hiểm và kiện cả hai bên về tội gian lận. Nhưng nếu công ty bảo hiểm cũng tham gia vào vụ việc này, thì tất cả hợp đồng đều vô hiệu lực và các bên đều phải chịu trách nhiệm pháp lý.
Theo một quan chức quản lý tài chính, các cuộc điều tra trước đây về gian lận cho vay thế chấp vàng giả thường phát hiện bên vay và bên cho vay thông đồng với nhau.
PICC P&C cũng đã sa thải giám đốc chi nhánh Hồ Bắc Liu Fangming. Một số nguồn tin cho biết những nhân viên có liên quan tới các hợp đồng với Kingold cũng bị sa thải. PICC P&C cho biết nguyên nhân sa thải là các vấn đề quản lý nội bộ và từ chối trả lời câu hỏi liệu việc này có liên quan tới bê bối của Kingold.
Chỉ là phần nổi của tảng băng chìm
Nhận xét về vụ bê bối này, Michael Wittmeyer, một chuyên gia về vàng của JMBullion.com, cho rằng đây không phải điều gì đáng ngạc nhiên.
"Trong ngành của chúng tôi, hầu hết hàng giả đến từ Trung Quốc", Wittmeyer nhận xét. "Có những sản phẩm y hệt như hàng chúng tôi bán trên mạng nhưng về cơ bản chúng vô giá trị".
Một số nhà phân tích chỉ ra rằng, cổ đông kiểm soát của Kingold Jewelry, Jia Zhihong - một cựu quân nhân có thế lực tại Vũ Hán, người từng giám sát các mỏ vàng tại Trung Quốc - có thể là nguyên nhân giúp hành vi của Kingold không bị điều tra cho đến tận bây giờ.
"Nhiều người cho rằng các mối quan hệ của ông Jia với các nhân vật quyền lực trong quân đội đã giúp ông ta có mọi thứ mình muốn mà không bị nghi ngờ gì", trang Small Caps của Australia cho biết.
Bê bối thế chấp 83 tấn vàng giả để vay 2,8 tỷ USD gây chấn động truyền thông Trung Quốc thời gian gần đây. Ảnh: Nikkei. |
Tuy nhiên, các chuyên gia quan ngại rằng bê bối vàng giả của Kingold có thể chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.
"Trong 5 - 10 năm qua, chúng tôi đã thấy rất nhiều tin tức kiểu này", Wittmeyer cho biết. “Thậm chí mỗi tuần, chúng tôi đều nhận được thông tin về những khách hàng cố bán vàng giả".
Ví dụ, năm 2016, người ta cũng phát hiện số thỏi vàng được dùng làm tài sản thế chấp để vay số tiền gần 19 tỷ NDT (2,7 tỷ USD) tại 19 tổ chức tài chính ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc thực chất là tungsten (còn gọi là vonfram) - vật liệu thường dùng để chế tạo thép hợp kim và các sợi trong bóng đèn điện. Có trường hợp thậm chí còn phát hiện miếng tungsten ở giữa thỏi vàng.
Được ông Jia thành lập vào năm 2002, Kingold trước đây là một nhà máy vàng tại Hồ Bắc có liên kết với Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc - được tách ra khỏi ngân hàng trung nước này cuộc một cuộc tái cơ cấu. Với hoạt động kinh doanh nhiều lĩnh vực từ thiết kế trang sức, sản xuất và buôn bán vàng, Kingold là một trong những nhà sản xuất trang sức vàng lớn nhất tại Trung Quốc.
Theo nguồn tin từ một số công ty tài chính, ông Jia có mối quan hệ rộng tại Hồ Bắc, nhưng tình hình kinh doanh của công ty này không tốt như vẻ bề ngoài. “Nhiều năm nay chúng tôi biết rằng ông ta không có vàng mà chỉ toàn đồng thôi", một nguồn tin giấu tên cho biết.
Các tổ chức tài chính tại Hồ Bắc cũng tránh làm ăn với Kingold, nhưng họ không muốn công khai chỉ trích ông Jia. “Hầu như không có tổ chức tài chính nào của Hồ Bắc cho Kingold vay tiền", nguồn tin cho biết.
Các tài liệu công khai cho thấy hầu hết chủ nợ của Kingold là các công ty tài chính nằm ngoài tỉnh Hồ Bắc. Một số nguồn tin cho biết các tổ chức này sẵn sàng cho Kingold vay tiền vì ông Jia hứa sẽ giúp họ xử lý các khoản nợ xấu.
Niêm yết trên sàn Nasdaq vào năm 2010, cổ phiếu Kingold hiện giao dịch ở mức khoảng 1 USD/cổ phiếu, với vốn hoá 12 triệu USD, giảm 70% so với một năm trước. Báo cáo tài chính cho thấy tổng tài sản của công ty này tính tới hết tháng 9/2019 là 3,3 tỷ USD, trong đó nợ phải trả lên tới 2,4 tỷ USD. Đến nay, đã có 2 công ty của Phố Wall mở cuộc điều tra gian lận chứng khoán liên quan tới Kingold.
Sàn giao dịch Vàng Thượng Hải được cho là đã hủy tư cách thành viên của Kingold. Trong khi đó, công ty này phủ nhận việc đang bị điều tra và bác bỏ các thông tin về việc dùng vàng giả vay tiền.
(Theo Zing)