Tuần vừa qua, trong chốc lát nhà đầu tư đã có thể tạm quên đi những "siêu sao" như Amazon và Alibaba. Ngay sau thông tin vaccine Covid-19 của Pfizer và BioNTech có hiệu quả tới 90%, thị trường bùng nổ dưới sự dẫn dắt cuả những cổ phiếu của các công ty trước đây vẫn được cho là nhàm chán. Cổ phiếu hàng không, ngân hàng và các ông lớn dầu mỏ tăng vọt nhờ hi vọng phục hồi.
Các cổ phiếu giá trị - nhóm gồm các công ty có tài sản lớn, hoạt động trong những ngành truyền thống khá buồn tẻ - đã trải qua 1 thập kỷ tồi tệ với hiệu suất thấp hơn mức trung bình của thị trường tới hơn 90%. Điều này dẫn đến 1 cuộc khủng hoảng niềm tin trong các nhà quản lý quỹ, những người đang tự hỏi liệu các chiến thuật mà họ đang áp dụng bấy lâu nay có hiệu quả trong thời đại kỹ thuật số hay không. Họ đã đúng khi lo lắng: cần phải cải tiến chiến lược để phản ánh 1 nền kinh tế mà trong đó các tài sản vô hình và những yếu tố ngoại sinh có vai trò quan trọng hơn nhiều so với trước đây.
Trong gần 1 thế kỷ, thế giới tài chính vẫn ưa chuộng đầu tư giá trị. Khái niệm đầu tư giá trị đã biến đổi qua thời gian nhưng về cơ bản đây vẫn là cách tiếp cận khá bảo thủ. Nhà đầu tư coi trọng tài sản, dòng tiền và các chỉ số tài chính trong quá khứ hơn là các kế hoạch đầu tư hay định hướng của công ty trong tương lai.
Đầu tư giá trị bắt đầu xuất hiện từ những năm 1930, khi Benjamin Graham lập luận rằng nhà đầu tư cần phải quên đi thời kỳ trước năm 1914, quãng thời gian mà trái phiếu đường sắt và các vụ giao dịch nội gián thống lĩnh thị trường vốn. Thay vào đó ông đề xuất phương pháp tiếp cận khoa học hơn, đánh giá các công ty dựa trên bảng cân đối kế toán và tìm ra các chứng khoán đang bị định giá sai.
Học trò của ông, Warren Buffett, đã giúp trường phái này được đông đảo nhà đầu tư ưa chuộng và sau đó cập nhật thêm những ý tưởng mới khi nền kinh tế chuyển hướng sang các doanh nghiệp tiêu dùng và các công ty tài chính vào cuối thế kỷ 20.
Vấn đề ở đây là đầu tư giá trị đang mang lại những kết quả đáng thất vọng. Nếu như 10 năm trước bạn mua 1 cổ phiếu giá trị có giá 1 USD, ngày nay bạn chỉ thu về 2,5 USD, trong khi nếu tính theo hiệu suất chung của thị trường thì bạn sẽ thu về 3,45 USD và 4,65 USD nếu tính theo hiệu suất của thị trường đã loại trừ các cổ phiếu giá trị. Bản thân cổ phiếu Berkshire Hathaway cũng đang bị thị trường bỏ rơi khá xa.
Trong bối cảnh mới, phương pháp đầu tư giá trị đã khiến nhà đầu tư gần như bỏ lỡ hoàn toàn những cơ hội từ sự nổi lên của ngành công nghệ. Các nhà đầu tư giá trị có thể phản bác rằng họ là "nạn nhân" của bong bóng trên thị trường chứng khoán và cuối cùng sau khi bong bóng vỡ thực tế sẽ chứng minh rằng họ mới là người đúng. Lần cuối cùng chiến lược đầu tư giá trị mang lại hiệu suất thấp như hiện nay là giai đoạn 1998 – 2000, ngay trước khi bong bóng dot-com vỡ tung. Ngày nay giá cổ phiếu trông cũng có vẻ đắt đỏ. Tuy nhiên, lần này có 2 sự thay đổi sâu sắc khiến nhiều khả năng lịch sử sẽ không lặp lại.
Thứ nhất là sự nổi lên của những tài sản vô hình như dữ liệu hay các công trình nghiên cứu, thứ hiện chiếm tới hơn 1/3 tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ. Các công ty đều hạch toán nhóm này vào hạng mục chi phí chứ không phải mục đầu tư để tạo ra tài sản. Một số nhà đầu tư định chế đã cố gắng điều chỉnh phương pháp đầu tư để phù hợp với xu thế này nhưng rất dễ tính nhầm số vốn mà các công ty dùng để tái đầu tư, trong khi khả năng tái đầu tư lại có ý nghĩa quan trọng đối với hiệu suất của công ty trong dài hạn.
Tính theo cách truyền thống, 10 công ty niêm yết lớn nhất nước Mỹ đã đầu tư 700 tỷ USD kể từ năm 2010 đến nay, nhưng nếu tính theo cách mới con số lên đến 1.500 tỷ USD. Các công ty có nhiều tài sản vô hình cũng thường dễ dàng mở rộng quy mô và khai thác hiệu ứng mạng lưới hơn so với những công ty truyền thống, do đó sẽ dễ dàng duy trì lợi nhuận ở mức cao.
Thay đổi thứ hai là sự nổi lên của những chi phí mà doanh nghiệp phải trả nhưng đã tìm cách trốn tránh. Ngày nay, trường phái đầu tư giá trị cho rằng bạn nên đầu tư vào các cổ phiếu ô tô và dầu khí. Tuy nhiên triển vọng của những công ty này phụ thuộc khá nhiều vào những chi phí môi trường tiềm tàng. Nếu các quy định về khí thải được siết chặt và thuế carbon được áp dụng rộng rãi, chi phí của các công ty ô tô và dầu khí sẽ tăng vọt.
Rất nhiều nhà đầu tư giờ mới bắt đầu để ý đến 2 yếu tố nói trên. Tính toán chính xác giá trị tài sản vô hình và những chi phí ẩn là công việc không hề dễ dàng. Tuy nhiên nếu đi đúng hướng, các quỹ quản lý tài sản theo phương pháp đầu tư giá trị dường như sẽ được tiếp thêm sức sống mới. Nguồn vốn cũng sẽ được phân bổ một cách hiệu quả hơn.
Giống như thời kỳ những năm 1930, đã đến lúc cải tổ phương pháp đầu tư giá trị.
Tham khảo The Economist