Hiện tại, các doanh nghiệp Mỹ thể hiện hai điều nổi bật. Thứ nhất là có tới 57 trong số 100 các công ty có giá trị nhất thế giới đều đến từ Mỹ. Thứ hai, đó là những vụ bê bối của một số công ty lớn đã "bùng" lên mạnh mẽ.
Mới đây, Boeing đã đối mặt với những cáo buộc rằng dòng máy bay 737 Max của họ được các hãng bay sử dụng với phần mềm nguy hiểm. Các cáo buộc hình sự cũng "bủa vây" ông lớn Goldman Sachs tại Malaysia, do có liên quan trực tiếp đến việc thu xếp khoản nợ 6,5 tỷ USD cho một quỹ nhà nước có mục đích lừa đảo. Một bồi thẩm đoàn ở California mới đây đã phát hiện ra rằng, Mosanto đã không cảnh báo khách hàng thuốc diệt cỏ của họ có thể gây ung thư.
Well Fargo, một trong những ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, đã thừa nhận việc tạo 3,5 triệu tài khoản ngân hàng trái phép và cho biết họ đang nỗ lực để "tái xây dựng niềm tin với các cổ đông". Khi nhắc đến bê bối, không thể không kể đến Facebook với vấn đề cực kỳ "nổi cộm": tiết lộ thông tin của gần 90 triệu người dùng. Không chỉ có Facebook, mà 146 triệu người dùng của công ty chấm điểm tín dụng Equifax cũng bị đánh cắp thông tin cá nhân hồi năm 2017. Sau đó là đại dịch opioid, cuộc khủng hoảng thuốc giảm đau có tính gây nghiệm (nhóm opiod), với sự dính líu của nhiều công ty dược phẩm lớn: Purdue Pharma, OxyContin, McKesson và Johnson & Johnson. Đây sẽ là sai lầm khi nhìn nhận những trường hợp này có nguyên nhân đến từ sự bất cẩn hay thiếu may mắn của con người.
Dường như các công ty ở Mỹ cũng thường xuyên gặp tai tiếng hơn những nơi khác trên thế giới. Tổng vốn hoá của các công ty Mỹ niêm yết từ năm 2016 có dính líu đến những vụ bê bối là 1,54 nghìn tỷ USD và có ít nhất 200 triệu người tiêu dùng đã bị ảnh hưởng. Trong khi đó, những công ty đối mặt với tình trạng tương tự ở châu Âu lại đạt mức vốn hoá là 600 tỷ USD và con số bị ảnh hưởng là 30 triệu người, bao gồm các nhà sản xuất ô tô gian lận kết quả bài kiểm tra khí thải và những vụ rửa tiền của các ngân hàng Bắc Âu.
Có thể thấy, nước Mỹ cũng không hề xa lạ đối với bê bối của các công ty. Thế kỷ 19 là vụ việc một lò mổ bán thịt lợn đã bị hỏng. Những năm 1960, Detroit đã sản xuất ra những chiếc ô tô "không hề an toàn dù di chuyển với tốc độ nào". Trong những năm 1990, những cáo buộc liên quan đến thuốc lá và chất amiăng đã khiến cổ đông phải trả hơn 150 tỷ USD cho các thoả thuận dàn xếp. Những vụ bê bối kế toán "nổ ra" tại WorldCom, Enron và Tyco và đầu những năm 2000 và đến giữa khoảng thời gian đó, gian lận ngân hàng đã trở thành "cơn khủng hoảng" cho nước Mỹ.
Những "cuộc khủng hoảng" bê bối của ngày nay rất đa dạng nhưng lại có nhiều điểm chung. Các công ty này có xu hướng trở nên nổi tiếng, với vị thế thống lĩnh trên thị trường và gây ra sự phẫn nộ cho cả truyền thông lẫn Quốc hội Mỹ. Ví dụ như một trong những công ty niêm yết "big 10" của Mỹ dính líu vào một vụ bê bối, gây ra nhiều tranh cãi trong thời gian khá dài, thì giá trị cổ phiếu của họ sẽ sụt giảm ở mức "có thể giải quyết được" là 11% kể từ khi sự kiện đó diễn ra. Có thể thấy, dù cổ phiếu của Boeing đã "bay" 8% kể từ vụ tai nạn ở Ethiopia, nhưng vẫn có diễn biến khá ổn định bởi nó đã vượt mức tăng hồi tháng 1.
Còn những bê bối khiến các ông chủ phải "cúi gằm mặt" chỉ có 2 trong số 10 trường hợp đã xảy ra, đó là Wells Fargo và Equifax. Việc trả lương, thưởng cho các "sếp" đã có một chút thay đổi. Goldman cho biết cổ phiếu thưởng của một số cựu giám đốc điều hành có thể sẽ bị thu hồi do có liên quan đến vụ bê bối 1MDB ở Malaysia. Equifax thì cho hay vấn đề an ninh mạng cũng đang được xem xét trong việc trả lương, thưởng cho các "sếp". Tuy nhiên, trong 10 công ty gặp phải bê bối, thì tổng số lương, thưởng cho các giám đốc điều hành đã tăng lên trong 4 năm gần đây, lên tới gần 600 triệu USD, theo Bloomberg.
Ở Mỹ, 3 yếu tố từ lâu đã hạn chế những bước tiến của các công ty lớn, đó là: quy định, những vụ kiện tụng và cạnh tranh. Hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính là "cơn bão" những vụ kiện cáo và phạt tiền đối với các ngân hàng. Nhưng kể từ thời điểm đó, 3 yếu tố trên có thể đã suy yếu, thúc đẩy động lực cho các công ty sẵn sàng chấp nhận rủi ro.
Đầu tiên, hãy nói về quy định. Hệ thống này là một sự kết hợp kỳ lạ, ở đây tồn tại tư tưởng phóng nhiệm, một loạt những quy tắc và các cuộc vận động hành lang khắp nơi. Tuy nhiên, những quy định đó cũng có khi rất lỏng lẻo và không đủ nghiêm khắc. Cục Quản lý Dược Liên bang cho phép các sản phẩm thuộc nhóm opioids được bày bán tràn lan. Cục Hàng không Liên bang uỷ thác một phần quy trình kiểm tra cho các nhân viên của Boeing. Uỷ ban Thương mại Liên bang lại rất chật vật để kiểm soát Facebook. Các mức phạt cho một số cơ quan quản lý có thể chiếm phần rất nhỏ so với mức vốn hoá của những công ty lớn.
Thứ hai, các vụ kiện tụng cũng không còn hiệu quả trong việc ngăn chặn họ tái phạm như trước đây. Các vụ án hình sự khiến nhiều giám đốc điều hành hàng đầu phải vào tù cũng trở nên hiếm hoi. Luật dân sự của Mỹ cũng không còn đủ tính răn đe như trước. Bởi trong quá khứ, Mỹ thông qua các vụ kiện tụng để xử phạt công ty và bồi thường cho người tiêu dùng. Chi phí cho mỗi vụ vi phạm của cá công ty thường chiếm tới khoảng 2% GDP mỗi năm, cao hơn so với những quốc gia khác. Còn ở hiện tại, mọi thứ đã trở nên dễ dàng hơn. Các điều khoản trọng tài, trong đó có khách hàng và nhân viên không có quyền thực hiện những vụ kiện thay mặt tập thể, đã trở nên phổ biến hơn. Các công ty hiện có nhiều khả năng hơn để kháng cáo, dù việc này thường mất đến hàng thập kỷ. Một luật sư kỳ cựu đối với các vụ kiện thay mặt tập thể cho biết các vụ dàn xếp vài tỷ USD "không còn có ý nghĩa quá lớn" đối với 50 công ty lớn nữa.
Cuối cùng là yếu tố cạnh tranh. Điều này có thể khiến các công ty "đốt cháy giai đoạn" nhưng nếu muốn đi một con đường dài thì các cơ quan quản lý nên đưa ra biện pháp mạnh tay hơn nữa đối với những doanh nghiệp bất cẩn, bởi rồi khách hàng sẽ dần tẩy chay họ.
Tuy nhiên, nhìn về tổng thể, các "ông lớn" hiện nay đã trở nên lớn mạnh hơn nhiều trong 20 năm qua. Điều này khiến các khách hàng khó có sự lựa chọn thay thế. Không phải không có sự lựa chọn nào khác ngoài Boeing và Airbus, nhưng nó vẫn còn rất hạn chế. Đối với Facebook, người dùng cũng không thể rời bỏ mạng xã hội này. Có lẽ, sự bùng nổ của những cuộc khủng hoảng bê bối sẽ hối thúc khách hàng tìm kiếm sự lựa chọn mới.