8 giờ tối tại phố cổ Hà Nội, chị Trần Thu Hiền đang hóa vàng. Chị đã hóa vàng hàng ngàn USD, nhưng đó không phải là tất cả.
Chị Hiền mở một chiếc hộp hàng mã: một chiếc Rolex bằng vàng, một cặp kính râm thiết kế, một gói xì gà Cuba và một chiếc iPhone X. Cuối cùng, Hiền chuyển sang một chiếc Toyota Camry màu đen. Chiếc xe khá lớn nên việc bắt lửa trở nên khó khăn hơn, nhưng sau một vài thao tác cẩn thận của chị, nó bắt đầu cháy. Khói bay mù mịt trên phố, nhưng người đi đường chẳng mấy bận tâm.
Hôm đó là ngày rằm tháng 7- theo lịch âm, là ngày "xá tội vong nhân", một sự kiện thường niên được tổ chức bởi các đạo sĩ và Phật tử trên khắp châu Á, đánh dấu việc mở cổng địa ngục, được tương truyền là thời điểm các hồn ma lang thang và gây rắc rối.
Nhiều người Việt Nam đốt lễ vật dâng tổ tiên của họ trong suốt cả năm. Nhưng trong nghi lễ này đặc biệt phổ biến trong mùa lễ hội. Tiền giả và những đồ hàng mã được làm bằng bìa cứng mô phỏng những thứ hàng hóa xa xỉ thời hiện đại cũng được đem "hóa vàng" coi như quà tặng cho người quá cố.
Theo truyền thống, người ta sẽ hỏa táng tiền âm phủ, nhưng ở Việt Nam, nghi lễ còn cầu kỳ công phu hơn. "Trần sao âm vậy", chị Hiền giải thích, lau mồ hôi trên trán bằng một miếng vải ẩm. "Giống như người sống, những người đã khuất cũng có iPhone và xe hơi".
Ngành hàng mã đã phát triển để đáp ứng những nhu cầu mới này. Trước lễ hội, tôi đã đến thăm làng hàng mã Đạo Tú, một ngôi làng ở ngoại ô Hà Nội, chuyên sản xuất hàng mã.
Máy giặt, màn hình tivi, máy điều hòa không khí và loa karaoke - hàng gì cũng có. Xe máy len lỏi qua ngôi làng, chở laptop, iPad và cả bộ sạc hàng mã xếp chồng lên nhau.
Trở lại khu phố cổ, tôi gặp ông Trần Quốc Việt, 68 tuổi, đang hóa vàng cho tổ tiên. Trời bắt đầu mưa, nhưng không sao. Ông Việt rút ra một hộp nữ trang bằng vàng và bạc giả. "Những thứ này dành cho dì tôi", ông nói, cầm một cái vương miện bằng bìa cứng. "Bà ấy muốn trở thành một ca sĩ nổi tiếng. Tôi đốt những thứ này cho bà ấy với hy vọng chúng sẽ giúp bà ấy ở phía bên kia". Theo một số người, người đã khuất không chỉ có nhu cầu vật chất - mà còn cả những giấc mơ còn dang dở.
Ông Việt đặt gói hàng mã trên bàn thờ gia đình và cầu nguyện trước khi hóa vàng. Ông kết thúc nghi lễ bằng cách hóa một số áo dài giả màu đen và tím, quần áo truyền thống mà người già mặc ở Việt Nam. Ông ấy đưa cho tôi một chiếc và tôi ngạc nhiên bởi chúng trông như thật, chỉ là nhẹ hơn bình thường rất nhiều.
"Những thứ này dành cho ông bà tôi đã mất từ lâu", ông Việt giải thích khi thả chúng vào đám lửa. "Họ sống cuộc sống rất đơn giản nên quần áo là tất cả những gì họ thực sự cần. Họ thậm chí sẽ không biết iPhone là gì!".
Joshua Zukas là một nhà báo tự do.