Những thiệt hại kinh tế mà đại dịch Covid-19 gây ra là không kể xiết. Tuy nhiên hãy thử tính toán một chút, bắt đầu với báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu mà Ngân hàng thế giới vừa công bố tuần trước. Theo tính toán của WB, kinh tế toàn cầu có thể suy giảm 4,3% trong năm 2020 – tương đương với mức độ tàn phá của Đại suy thoái và 2 cuộc thế chiến.
Tuy nhiên, theo tạp chí The Economist, con số đó vẫn khiêm tốn so với thực tế, bởi con số này đo lường mức độ suy giảm của nền kinh tế so với thời điểm trước dịch chứ không phải so với trường hợp không có dịch.
Để có thể so với trường hợp không có dịch, trước hết các chuyên gia kinh tế cần phải ước tính GDP toàn cầu sẽ ra sao. Hãy nhìn vào dự báo mà WB đưa ra cùng thời điểm này năm ngoái, khi gần như cả thế giới không biết chút nào về mối nguy dịch bệnh. Theo đó WB dự báo GDP toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,5% trong năm 2020, lên 86 nghìn tỷ USD. Như vậy so với con số đó, năm 2020 GDP toàn cầu thiệt hại khoảng 6,6%, tương đương khoảng 5.600 tỷ USD.
WB cũng dự báo năm 2021 kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn bình thường nhờ vaccine. Nhưng kể cả nếu dự báo lạc quan này thành hiện thực và không có thêm tai ương nào ập đến, GDP toàn cầu năm 2021 vẫn sẽ thấp hơn 5,3% so với dự báo mà WB đưa ra thời điểm cuối năm 2019, tương đương sụt giảm gần 4.700 tỷ USD.
Cộng 2 con số nói trên lại và ta có thiệt hại mà Covid-19 gây ra cho GDP toàn cầu năm 2020 và 2021 là vào khoảng 10.300 tỷ USD – một con số khá lớn. Trên toàn thế giới chỉ có Mỹ và Trung Quốc là 2 nền kinh tế có GDP lớn hơn 10 nghìn tỷ USD. Cập nhật số liệu 2019, 153 nền kinh tế có GDP thấp hơn con số đó. Quy đổi theo tỷ giá hiện tại, 10.300 tỷ USD đủ để mua 10 công ty niêm yết lớn nhất thế giới (trong đó bao gồm Amazon, Apple và Saudi Aramco). Số tiền đó cũng cao gấp 9 lần số tiền đủ để mua tất cả các bất động sản ở New York City.
Trong đó khu vực eurozone thiệt hại hơn 2.000 tỷ USD. Mỹ thiệt hại 1.700 tỷ USD. Ấn Độ là nước thiệt hại nặng nề nhất trong nhóm các nước đang phát triển với con số 950 tỷ USD. Mặc dù kinh tế Trung Quốc lớn hơn Ấn Độ, nước này thiệt hại ít hơn với 680 tỷ USD.
Những thiệt hại mà Covid-19 gây ra không chỉ dừng lại ở năm 2021. WB dự báo năm 2022 GDP toàn cầu vẫn sẽ suy giảm 4,4% so với dự báo đã đưa ra trước dịch. Tổ chức này lo ngại những ảnh hưởng lên dòng vốn đầu tư, nguồn nhân lực và tiềm năng tăng trưởng của kinh tế thế giới. Ngoài ra còn có gánh nặng nợ nần mà các chính phủ và các công ty đã vay mượn để chống đỡ với đại dịch.
Có 1 lý do nữa lý giải tại sao những con số nói trên dù rất lớn nhưng vẫn chưa thể miêu tả hết các thiệt hại kinh tế do Covid-19. Nếu như đại dịch chưa từng xảy ra, GDP sẽ không chỉ cao hơn mà còn rất khác biệt về bản chất. Thay vì khẩu trang, các bộ xét nghiệm, vaccine, các cuộc gọi Zoom và dịch vụ giao hàng, kinh tế thế giới sẽ sản xuất những thứ hoàn toàn khác.
Bởi vì đại dịch gây ra những thiệt hại quá lớn đối với hệ thống y tế và cả xã hội, chúng ta buộc phải chuyển hướng các nguồn lực để chống lại. Nếu như không có dịch, thế giới đã có thể tránh được những chi phí khổng lồ này.
Tham khảo The Economist