The Economist: Trung Quốc vẫn là công xưởng lớn nhất thế giới!

03/07/2020 12:36
Các công ty Trung Quốc đang ở trong tình thế tốt hơn tương đối so với hầu hết các nơi khác trên thế giới nhờ thành công trong việc kìm chân sự lây lan của virus corona

Thông thường, sẽ có khoảng 200.000 người mua hàng đến từ mọi quốc gia đổ về tham dự Hội chợ Canton, nơi diễn ra triển lãm thương mại lớn nhất thế giới. Tuy nhiên vì dịch bệnh, năm nay, hội chợ đã được chuyển qua tiến hành hoàn toàn online, hoạt động trong mười ngày và kết thúc vào ngày 24 tháng 6. Mặc dù không có sự thay thế nào cho việc gặp gỡ trực tiếp, hội chợ ảo là một show trình diễn theo đúng nghĩa của nó, là minh chứng rõ nhất cho đế chế sản xuất của Trung Quốc. Khoảng 25.000 gian hàng đã tổ chức livestream đồng thời, thường là từ các nhà máy của họ, tiến hành quảng cáo và trò chuyện với bất kỳ ai quan tâm đến sản phẩm.

Trong số đó, Wen Li, một giám đốc sản phẩm trẻ tuổi đã biểu diễn sử dụng máy cắt cỏ tự động Z-Green ở ngay cửa hàng của mình. Joy, một nhân viên bán hàng của PK Cell, ngồi sau một loạt các loại pin sạc Lithium, giải thích hoạt động của 23 dây chuyền sản xuất tự động của hãng và kể ra một loạt các cái tên đang là đối tác của công ty, từ Walmart cho tới chính phủ Trung Quốc.

Có rất nhiều công ty khác nhau đến hội chợ từ sản xuất xe máy và ô tô điện, máy pha cà phê và máy đánh sữa tự động, đồ chơi cho chó và đồ đựng thức ăn cho chim ruồi. Ngay cả khi các luồng phát trực tiếp của các đại diện doanh nghiệp được thiết kế khá nghiệp dư với vốn tiếng Anh chắp vá đầy ngắc ngứ và ánh sáng thiết kế rất tệ, hiệu quả tổng thể của thương hiệu vẫn rất đáng kể. Hội chợ Canton là lời khẳng định chắc nịch cho thấy Trung Quốc - nơi chiếm 28% tổng sản lượng sản xuất của thế giới, gần nhiều bằng Mỹ, Nhật Bản và Đức kết hợp lại, và bất chấp mọi sự rối loạn từ cuộc khủng hoảng mà virus corona mang đến, vẫn đang phát triển mạnh mẽ.

Trung Quốc có hai lợi thế lớn về sức mạnh sản xuất đã được thể hiện rõ nét trong những tháng vừa qua. Đầu tiên, nền tảng công nghiệp của quốc gia này có cả chiều rộng lẫn chiều sâu, có thể sản xuất ra mọi thứ từ sản phẩm cấp thấp như giày dép cho đến những công nghệ sinh học tiên tiến. Ngay cả khi tiền lương của người công nhân vẫn được tăng đều đặn, sự kết hợp của các cụm công nghiệp với cơ sở hạ tầng hạng nhất và các nhà máy đã được nâng cấp tại Trung Quốc đã khiến năng lực cạnh tranh của nước này rất mạnh. Theo OECD, nếu như năm 2005, 26,3% giá trị xuất khẩu của Trung Quốc được tạo ra ở nước ngoài thì đến năm 2016, con số này đã giảm xuống chỉ còn 16,6%, với tỷ lệ giảm mạnh nhất trong ngành điện tử. Nói cách khác, rất nhiều linh kiện trong các thiết bị điện tử Trung Quốc đã được sản xuất chính tại quốc gia này.

Khẩu trang - một vật phẩm bắt buộc phải có trong đại dịch vừa qua đã mang đến cho chúng ta một minh họa sống động về sức mạnh của Trung Quốc. Vào đầu tháng 2, Trung Quốc đã là nguồn cung của phân nửa số lượng khẩu trang trên toàn cầu, với công suất 10 triệu cái mỗi ngày. Trong vòng một tháng, sản lượng đã tăng lên gần 120 triệu cái. "Điều đó không chỉ đơn giản thông qua nỗ lực mà còn là kết quả có được từ chuỗi cung ứng hoàn chỉnh nhất trên thế giới" hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã đưa tin.

Một khẩu trang phẫu thuật đơn giản bao gồm một lớp dệt được gắn lại với một lớp không dệt, dây cao su đàn hồi để vòng qua tai và một miếng kim loại mỏng để cố định khẩu trang trước mũi. Loại khẩu trang phức tạp hơn thì có thêm bộ lọc bằng nhựa mỏng và bộ lọc than hoạt tính. Bất kỳ quốc gia nào cũng có mong muốn các công ty có chuyên môn về dệt may, hóa chất, luyện kim và gia công của mình tự sản xuất khẩu trang, cùng với việc có thể cung cấp đủ nguyên liệu, không gian nhà máy, công nhân được đào tạo, kỹ sư và vốn. Tuy nhiên điều này không thể bắt đầu từ con số không, và câu chuyện tương tự đang diễn ra trên hàng ngàn sản phẩm khác.

Lợi thế thứ hai của Trung Quốc là thị trường rộng lớn của riêng mình. Đây là lý do tại sao nhiều công ty Mỹ muốn chính quyền tổng thống Trump nên tuân thủ những giới hạn trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, gây áp lực đủ lớn để họ có thêm không gian hoạt động tại Trung Quốc, nhưng không nhiều đến mức đóng lại hoàn toàn cơ hội của họ.

Các công ty toàn cầu trông thậm chí còn kết thân nhiều hơn với Trung Quốc, bất chấp chiến tranh thương mại: trong 18 tháng qua, giá trị của các vụ sáp nhập và mua lại có yếu tố nước ngoài ở Trung Quốc đã đạt mức cao nhất trong một thập kỷ, theo công ty nghiên cứu Rhodium Group. Đã có một số dự án đầu tư tầm cỡ rất lớn. BASF, một công ty hóa chất của Đức, đang đầu tư 10 tỷ USD vào một tổ hợp sản xuất tại miền nam Trung Quốc để phục vụ đối tượng khách hàng là những người dân địa phương. Hay như Tesla đã thiết lập nhà máy ở nước ngoài đầu tiên của công ty tại Thượng Hải vào năm ngoái để phục vụ thị trường Trung Quốc, được coi là lớn thứ hai sau Mỹ.

Như dự kiến, suy thoái toàn cầu đang đặt một gánh nặng lên các nhà sản xuất tại Trung Quốc. Xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 8% trong 5 tháng đầu 2020 so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc đang ở trong tình thế tốt hơn tương đối so với hầu hết các nơi khác trên thế giới nhờ thành công trong việc kìm chân sự lây lan của virus corona. Nền kinh tế Trung Quốc không chỉ là một trong số ít quốc gia có khả năng tăng trưởng trong năm nay mà việc tái sản xuất công nghiệp trước đó đã cho phép các nhà xuất khẩu nước này giành được thị phần trong khi hầu hết các quốc gia khác vẫn đang trong tình trạng phong tỏa. Tại Nhật Bản, hàng hóa từ Trung Quốc chiếm 30% tổng lượng nhập khẩu trong tháng 5 vừa qua còn ở khu vực châu Âu cũng đạt được 24% lượng nhập khẩu trong tháng 4. Đó là những con số kỷ lục đối với xuất khẩu Trung Quốc.

Không còn sản xuất tại Trung Quốc

Tuy nhiên, đây có thể đã là đỉnh cao xuất khẩu của Trung Quốc. Các quốc gia khác biết quá rõ về năng lực sản xuất của Trung Quốc và việc họ rất dễ bị thiếu hụt các sản phẩm quan trọng không thể tự sản xuất. Điều đó đã diễn ra sớm hơn dự tính trong năm nay, khi các nước tranh giành để mua máy thở và khẩu trang từ Trung Quốc. Sự lo ngại về việc có quá nhiều hoạt động sản xuất đã được dời đến Trung Quốc đã thúc đẩy một số thành viên của chính quyền Trump, trong đó đáng chú ý là ông Peter Navarro, khuyến khích việc áp đặt thuế quan đối với các sản phẩm của Trung Quốc.

Một vài năm trước, việc ông Navarro quá ám ảnh bởi việc kéo nền sản xuất nước nhà trở lại Mỹ đã khiến cho hình ảnh của ông trở nên vô cùng gàn dở trong mắt người khác. Bây giờ thì khác, nhiều người đang bắt đầu hát cùng một giai điệu, nhưng với âm sắc nhẹ nhàng hơn. Vào tháng Tư, Nhật Bản đã tung ra gói viện trợ 2,2 tỷ USD giúp giảm thiểu chi phí di dời nhà máy để kêu gọi các công ty Nhật rời khỏi Trung Quốc. Các quan chức châu Âu cũng đã cảnh báo về sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc, đặc biệt là các sản phẩm y tế. Từ Ấn Độ đến Đài Loan, các nền kinh tế đang ra sức hỗ trợ doanh nghiệp các khoản vay, cho thuê đất giá rẻ và các ưu đãi khác để thu hút họ trở về quê nhà.

Những sự xui khiến như vậy là vô cùng hiếm có trong quá khứ, nhưng bây giờ họ đã có những cơ hội tốt hơn. Có ba yếu tố đang thúc đẩy các công ty chuyển đổi một số hoạt động sản xuất của mình ngay cả khi họ vẫn tiếp tục nhắm đến kinh doanh tại thị trường Trung Quốc.

Đầu tiên, Trung Quốc đang tiến lên trong chuỗi giá trị và việc gia tăng chi phí lao động đã bóp nghẹt các công ty sản xuất tầm thấp. Nhiều nhà máy gia công hàng may mặc và lắp ráp thiết bị điện tử về cơ bản đã sớm di dời đến một số quốc gia khác, điển hình như Đông Nam Á. Thứ hai, căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ đã khiến các công ty cảnh giác khi bị buộc phải lựa chọn ở bên này hay bên kia chiến tuyến. Apple vẫn sản xuất hầu hết các sản phẩm iPhone tại Trung Quốc nhưng để phòng ngừa rủi ro chính trị, công ty đã khuyến khích các nhà cung cấp mở rộng ra các nơi khác, chẳng hạn như Ấn Độ.

Thứ ba, việc ngừng hoạt động của các nhà máy trong suốt đại dịch, với việc hoạt động sản xuất của Trung Quốc gần như bị đánh sập hoàn toàn vào tháng 2 đã cảnh báo về nguy cơ khi để hết trứng vào 1 giỏ.

Bằng chứng về cán cân xuất khẩu đang thay đổi có thể được tìm thấy trong các báo cáo điều tra khảo sát với các cán bộ cấp cao đến từ các công ty lớn của Mỹ, Trung Quốc và Bắc Á như Nhật Bản và Hàn Quốc, được thực hiện bởi ngân hàng Thụy Sĩ UBS. Trong số hơn 1.000 người được hỏi, 76% từ các công ty Mỹ, 85% các công ty Bắc Á và thậm chí 60% các công ty Trung Quốc nói rằng họ đã chuyển đi hoặc đang có kế hoạch chuyển một số dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Keith Parker của UBS ước tính rằng các công ty có thể dịch chuyển từ 20 đến 30% công suất sản xuất ban đầu tại Trung Quốc. Việc tái định cư sẽ không xảy ra trong một sớm một chiều nhưng họ sẽ dần dần giảm bớt sự thống trị của Trung Quốc trong ngành lĩnh vực gia công sản xuất.

Cùng lúc đó, các doanh nghiệp Trung Quốc đã rất kiên cường và duy trì được khả năng thích nghi tốt. Lấy ví dụ về Sowind, công ty sản xuất dụng cụ vệ sinh gia đình, một trong những đơn vị đăng ký trưng bày các sản phẩm của mình tại Hội chợ Canton trực tuyến. Cùng với các sản phẩm chủ lực như chổi và cây lăn bụi, công ty đã tạo ra một sản phẩm mới: bộ khay đựng xà phòng kích hoạt bằng chuyển động và chạy bằng pin sử dụng tại nhà.

Trong một buổi phát trực tiếp, Ivy, một nữ nhân viên bán hàng trẻ tuổi trong chiếc áo polo đỏ Sowind đã lồng ghép khéo léo bài thuyết trình sản phẩm của mình với thực tế nghiệt ngã của dịch bệnh: "Bạn không cần phải chạm vào hộp đựng xà phòng, vì vậy bạn có thể tránh bị lây nhiễm chéo." Liên lạc với cô sau khi phát sóng, Ivy nói rằng khách hàng ở châu Âu và Mỹ đang đặt mua hàng ngàn đơn hàng. "Khách hàng của chúng tôi thực sự cần điều này", cô ấy nói. Đối với vấn đề phải chuyển sang mô hình trực tuyến của hội chợ thương mại lớn nhất thế giới, cô cũng rất lạc quan: "Cần có thời gian để làm quen với một số công nghệ kỹ thuật mới, nhưng những gì diễn ra đã vượt qua kỳ vọng của tôi rất nhiều."

Tham khảo The Economist

Tin mới

Sau thời gian 'chạy ầm ầm' ở Việt Nam, một mẫu xe VinFast đã bàn giao tại Mỹ: Rất hợp bản địa!
9 giờ trước
VinFast vừa chính thức bàn giao lô đầu tiên của mẫu xe điện VF 9 tại Mỹ.
Hai tháng nữa là Tết, Vespa 946 bản Rồng 'hết thời' hét giá, từng đắt ngang xe sang nay có nơi rao dưới 500 triệu
8 giờ trước
Từng một thời có giá bị thổi lên tới 700-800 triệu, cao hơn hẳn mức chính hãng 455 triệu, nay Vespa 946 Dragon nhập khẩu không chính hãng được rao bán với giá tầm 400-600 triệu đồng.
Xe ô tô Trung Quốc nhập vào Việt Nam tăng gấp đôi
8 giờ trước
Chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt thương hiệu ô tô Trung Quốc từ xe xăng cho đến hybrid và xe thuần điện tràn vào Việt Nam.
Ngành hàng tỷ đô Việt Nam lọt top đầu thế giới, hơn 100 quốc gia từ Á sang Âu đều mê thích
7 giờ trước
Mỹ, EU, Trung Đông và các nước CPTPP là 4 thị trường tiêu thụ nhiều nhất mặt hàng này của Việt Nam.
Nhộn nhịp khuyến mãi cuối năm
6 giờ trước
Mùa cao điểm mua sắm cuối năm đã bắt đầu khi người tiêu dùng chi tiêu mạnh tay hơn nhằm chuẩn bị cho các dịp lễ, Tết sắp tới

Tin cùng chuyên mục

Xe Trung Quốc ở Việt Nam lúc này: Dè dặt xe điện, chuyển hướng bán hybrid, xe xăng
10 giờ trước
Trước hàng loạt thách thức ở thị trường Việt Nam, xe điện Trung Quốc dường như đã không bùng nổ như kỳ vọng, thậm chí có xu hướng "dè dặt" hơn trong việc ra mắt. Thay vào đó, các hãng lại tỏ ra ưu ái xe đốt trong hơn khi đã và sắp ra những mẫu mới sử dụng động cơ xăng hoặc hybrid.
Giá USD hôm nay 23/11: Tăng không ngừng, tỷ giá "chợ đen" đảo chiều giảm
11 giờ trước
Giá USD hôm nay 23/11 trên thế giới tăng không ngừng, có thời điểm chạm mức 108. Trong nước, giá USD ngân hàng bán ra cộng thêm 5 đồng, trong khi tỷ giá "chợ đen" diễn biến lạ.
Bán 60.000 iPhone thu 2.000 tỷ đồng trong hơn 1 tháng, điều gì giúp TopZone 'on top' thị trường?
14 giờ trước
TopZone tiếp tục khẳng định vị thế nhà bán lẻ ủy quyền cao cấp nhất của Apple với doanh thu chuỗi chương trình mở bán iPhone 16 nhanh chóng đạt 2.000 tỷ đồng, phản ánh hiệu quả của chiến lược chú trọng vào trải nghiệm khách hàng của thương hiệu.
Doanh số tại Việt Nam tăng mạnh, Yamaha kiếm được bao nhiêu tiền?
17 giờ trước
Trong Quý III/2024, Việt Nam là thị trường có tăng trưởng doanh số cao thứ 2 trên toàn thế giới của Yamaha.