Theo đó, hơn 30 nền kinh tế mới nổi đang đối mặt với áp lực lớn, tệ nhất là Lebanon và Venezuela.
Trong nhóm các nền kinh tế an toàn, Botswana đứng đầu, tiếp theo là Đài Loan và Hàn Quốc. Việt Nam xếp thứ 12 sau Trung Quốc và Guatemala, nhưng đứng trước Ba Lan và Nigeria với các chỉ số nợ công, nợ nước ngoài, chi phí đi vay và dự trữ ngoại hối đều ở mức ổn định cho đến mạnh. Việt Nam không có chỉ số nào thuộc diện "báo động đỏ".
Ở Đông Nam Á, Việt Nam đứng sau Philippines (thứ 6) và Thái Lan (thứ 7) trong bảng xếp hạng. Kinh tế Việt Nam tương đối mạnh mẽ và ổn định trong cả 4 yếu tố và là một trong những nền kinh tế ít bị ảnh hưởng nhất bởi cuộc khủng hoảng Covid-19, báo cáo cho biết.
The Economist đánh giá phần lớn các nền kinh tế trong nhóm trên đều đủ khỏe mạnh để vượt qua đại dịch. Nhóm 30 nền kinh tế yếu nhất có quy mô tương đối nhỏ, chỉ chiếm 11% tổng GDP của toàn bộ 66 nền kinh tế.
Bằng cách "khóa chặt" dân số, Covid-19 làm tổn hại thu nhập xuất khẩu và vốn đầu tư nước ngoài. Ngay cả trong trường hợp đại dịch biến mất trong nửa cuối năm, tăng trưởng kinh tế ở các nước đang phát triển vẫn sẽ nhỏ hơn nhiều so với con số dự báo 6,6% của IMF vào tháng 10/2019.
Để vượt qua khủng hoảng, các nền kinh tế mới nổi có thể cần ít nhất 2.500 tỷ USD, từ các nguồn nước ngoài hoặc dự trữ của riêng họ, IMF tính toán.
Trong suốt năm 2020, 66 nền kinh tế này sẽ phải trải qua một cuộc tập trận. Họ sẽ phải xoay sở hơn 4.000 tỷ USD để trả nợ nước ngoài và trang trải mọi khoản thâm hụt tài khoản vãng lai. Nếu không bao gồm Trung Quốc thì con số này là 2.900 tỷ USD.