Nhận định về hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính do Covid-19 gây ra, các nhà hoạch định chính sách đều mô tả nền kinh tế trong trạng thái "ngủ đông", thậm chí "hôn mê". Do đó việc phục hồi nền kinh tế quay trở lại trạng thái bình thường như trước khi dịch bệnh bắt đầu được coi là thước đo thành công của các nhà hoạch định.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ở đây là liệu thế giới sẽ còn lại gì sau Covid-19?
Một hệ thống doanh nghiệp "èo uột" thiếu sức sống
Hầu hết các doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ hiện nay không đủ khả năng tài chính dự trữ để đáp ứng nhu cầu chi phí cho một tháng hoặc một quý. Và khi vốn đầu tư bị sụt giảm, khách hàng sẽ tìm tới những nhà cung cấp khác.
Trong bối cảnh hiện nay, hàng triệu doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn bao gồm cả các hãng hàng không lớn đều đang lâm vào khủng hoảng. Để cầm cự, nhiều doanh nghiệp đã không huỷ đơn đặt phòng của khách hàng mà cố gắng bảo lưu và duy trì đặt chỗ cho tương lai. Tất nhiên, khi quay trở lại hoạt động, họ sẽ phải thực hiện các giao dịch đã ký kết mà không thu thêm bất cứ khoản phí nào khác.
Bên cạnh đó, những thay đổi trong nhu cầu của người tiêu dùng sẽ ảnh hưởng đến mức độ hoạt động trở lại của doanh nghiệp. Ngành hàng không và du lịch sẽ gặp nhiều khó khăn do lo ngại dịch bệnh và những quy định khắt khe từ hầu hết quốc gia trên thế giới hiện nay. Ngược lại, ngành mua sắm trực tuyến hoặc giải trí online có thể tăng trưởng mạnh hơn.
Một nền kinh tế chìm ngập trong nợ nần
Sau Đại suy thoái 1930, nền kinh tế Mỹ thiệt hại khoảng 10.000 tỷ USD do người gửi rút tiền tiết kiệm, nhà đất giảm giá trị và đầu tư mất giá. Dự báo sau cuộc khủng hoảng dịch bệnh do Covid-19, nguồn vốn tiết kiệm cạn kiệt sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến khả năng tiêu dùng.
Về lâu dài, khi thị trường chứng khoán và bất động sản đạt mức tăng trưởng trở lại có thể giúp khôi phục dần sự giàu có, tuy nhiên chỉ đối với những nhà đầu tư không phải bán tháo tài sản do dịch bệnh. Ngược lại, nhóm người có thu nhập thấp hoặc những công ty nhỏ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do chi tiêu vượt mức thu nhập và tiết kiệm trong giai đoạn này.
Kinh tế hộ gia đình, doanh nghiệp và Chính phủ vốn đã mang nợ, sẽ phải tiếp tục vay tiền để bù đắp dòng vốn thiếu hụt. Theo báo cáo, khoảng 2/3 các khoản hỗ trợ của Chính phủ Mỹ hiện nay đều xuất phát từ dòng vốn đi vay, điều này sẽ đẩy gánh nặng nợ nần tăng cao hơn bao giờ hết.
Trong khi đó, đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp, nhu cầu trả nợ sẽ hạn chế quyết định chi tiêu và đầu tư cho tương lai. Sự phục hồi chậm của thị trường bất động sản cũng như các tài sản tài chính khác sẽ làm tăng mức độ thiệt hại. Hơn một thập kỷ sau khủng hoảng tài chính 2008, hàng triệu hộ gia đình vẫn phải chi trả khoản thế chấp thậm chí còn lớn hơn căn nhà mà họ sở hữu. Đối với các doanh nghiệp mới thành lập, hạn chế tín dụng sẽ ảnh hưởng đến khả năng đi vay và kìm hãm sự tham gia của họ vào nền kinh tế.
Lãi suất thấp và tài trợ tín dụng từ ngân hàng trung ương thông qua nới lỏng định lượng sẽ làm gia tăng nợ. Tuy nhiên, khi tỷ lệ nợ đạt tới 150% GDP như tại nhiều quốc gia hiện nay nó sẽ kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế, giảm chi tiêu và thổi bay đám đông khỏi thị trường vốn. Tăng trưởng âm và dư nợ lớn sẽ là hai mảng đối nghịch của nền kinh tế và cuối cùng sẽ tạo ra áp lực gây bất ổn trên thị trường tiền tệ.
Nghèo đói, thất nghiệp và nỗi lo sợ hằn sâu trong nền kinh tế?
Không có gì phải bàn cãi khi Covid-19 đã và đang giáng một đòn mạnh vào thị trường lao động toàn cầu. Hàng triệu người lao động mất việc làm và đẩy gánh nặng lên hệ thống an sinh xã hội của hầu hết các quốc gia. Bên cạnh đó, các chủ lao động cũng sẽ phải thay đổi chính sách để "thắt lưng buộc bụng" hơn nhằm đối phó với những rủi ro tương tự trong tương lai.
Công việc làm tại nhà và những nghề "tay trái" sẽ trở nên phổ biến hơn; tuy nhiên điều này cũng sẽ làm giảm mức độ an toàn trong thu nhập và việc làm.
Vai trò của Nhà nước trong việc cứu trợ nền kinh tế và người dân đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sẽ làm gia tăng áp lực nợ và đói nghèo. Các gói cứu trợ sẽ làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và có thể tạo ra những công ty "zombies" chỉ tồn tại mà không mang lại bất cứ giá trị nào. Bên cạnh đó, hỗ trợ chi tiêu sẽ làm giảm khả năng tiết kiệm và động lực quay trở lại thị trường lao động của người dân.
Sau tất cả, "vết sẹo" do Covid-19 để lại có thể sẽ hằn sâu trong tâm trí mỗi người. Sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng, tiết kiệm và ý chí quay trở lại công việc sẽ là thách thức không nhỏ đối với các nhà hoạch định chính sách. Thực tế đã chứng minh sau cuộc Đại khủng hoảng 2008, mọi người trở nên chi tiêu tiết kiệm và thận trọng hơn vì lo sợ một trật tự thế giới mới sẽ đe doạ đến sự sống còn của họ.
Tham khảo Marketwatch