Mặc dù đã giảm khoảng 30% so với mức đỉnh hơn 19.000 USD/bitcoin thiết lập hồi giữa tháng 12/2017, giá của đồng tiền mật mã này hiện tại cũng đã tăng hơn 13 lần sau 1 năm và vẫn chưa chấm dứt cơn sốt mà nó gây ra trên toàn thế giới.
Từ khóa ‘bitcoin’ thậm chí còn là một trong hai từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất của hạng mục Tin tức (News) trong năm 2017, trong tổng số 15 hạng mục được Google công bố gần đây .
Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tài chính tiền tệ không đánh giá cao giá trị của đồng tiền mật mã này. Đặc biệt, Warren Buffett, nhà đầu tư huyền thoại, và Jamie Dimon, CEO của JPMorgan Chase, còn thẳng thắn tuyên bố Bitcoin là một trò lừa đảo và cho rằng những ai ‘đầu tư’ vào đồng tiền này sớm muộn cũng sẽ mất trắng số tiền mình có.
Trong khi bitcoin nhận được nhiều ý kiến tiêu cực, thì blockchain, công nghệ đứng đằng sau nó, đã trở thành thuật ngữ quan trọng thường được nhắc tới trong các cuộc bàn luận về công nghệ. Các nhà đầu tư và các tổ chức tài chính hầu như không quan tâm tới bitcoin, nhưng họ bắt đầu chú ý tới công nghệ blockchain.
Những người ủng hộ công nghệ blockchain vẫn không ngừng ca tụng về các lợi ích mang tính đột phá mà công nghệ này mang lại. Họ thậm chí còn cho rằng những đột phá này có thể là bước ngoặt công nghệ sẽ thay đổi nhiều ngành công nghiệp.
Họ không ngừng nói về những lợi ích của công nghệ blockchain như tính minh bạch, loại bỏ được các đơn vị trung gian, tính phi tập trung, độ bảo mật, tiết kiệm chi phí hay tăng tốc độ giao dịch.
Phải chăng công nghệ blockchain không có bất kỳ một nhược điểm nào? Đây có thực sự là công nghệ đột phá và sẽ thay đổi một loạt ngành công nghiệp giống như những người ủng hộ nó ca tụng?
Mới đây, Mark Gates, tác giả cuốn sách ‘Blockchain – Ultimate guide to understanding blockchain, bitcoin, cryptocurrencies, smart contracts and the future of money’ (Tạm dịch: Blockchain – Giới thiệu về công nghệ blockchain, bitcoin, tiền mật mã, hợp đồng thông minh và tương lai của tiền tệ) đã đề cập tới một số điểm bất ổn của công nghệ này.
Thiếu tính riêng tư
Xuất phát từ tính phi tập trung, blockchain là một mạng lưới trong đó tất cả các giao dịch trong mạng lưới đó đều có thể được truy xuất ngược bởi bất kỳ thành viên nào. Nếu bạn thanh toán hàng hóa tại một cửa hàng mà mạng thanh toán tại cửa hàng được sử dụng công nghệ blockchain, chủ cửa hàng có thể thấy giao dịch đó trên blockchain và dễ dàng truy xuất xem khoản tiền đó được gửi từ ví nào. Thậm chí, họ còn có thể kiểm tra số dư tài khoản đó cũng như toàn bộ các giao dịch gửi, rút tiền hoặc thanh toán khác từ tài khoản của bạn.
Ý tưởng về một blockchain phi tập trung cung cấp rõ ràng, công khai từng giao dịch đơn lẻ trong mạng lưới đã trở thành nỗi lo lắng của nhiều người. Điều này cũng gây ái ngại rằng nhiều máy tính hoạt động trên mạng lưới blockchain quy mô lớn tại những quốc gia như Nga hay Trung Quốc, nơi tình trạng tội phạm công nghệ cao và thông tin cá nhân có thể bị lợi dụng để gây hại cho những người sinh sống và khách du lịch tới các quốc gia đó.
Mặc dù có nhiều blockchain phi tập trung cung cấp mức độ bảo mật giao dịch cao hơn hoặc giới hạn người có thể truy cập để theo dõi thông tin, nhưng Bitcoin, Ethereum và nhiều đồng tiền mật mã khác không vận hành theo cách đó và hiện tại không có kế hoạch tăng cường tính riêng tư cho giao dịch hay tài khoản.
Những vấn đề về bảo mật
Trong các hệ thống bảo mật thông qua bên trung gian, chẳng hạn như ngân hàng, nếu một người quên mất mật khẩu, họ có thể nhờ ngân hàng nơi họ mở tài khoản cấp lại bằng cách xác thực tại chi nhánh. Tuy nhiên, trong mạng lưới blockchain không có bên trung gian (Peer-to-Peer), một người quên mất khóa cá nhân của mình sẽ không có cách nào truy cập vào khoản tiền của họ.
Tính bảo mật quá cao này đôi khi gây rắc rối cho người sử dụng. Một số người thậm chí còn lưu mã khóa cá nhân bằng tin nhắn, email hoặc chép ra giấy, điều này có thể tạo ra các lỗ hổng bảo mật, và biến sự an toàn thành không an toàn.
Một thanh niên người Anh tên James Howells gần đây trở nên nổi tiếng sau khi cho biết anh đã tình cờ vứt bỏ một ổ cứng cũ chứa mã khóa hơn 7.000 bitcoin, tương đương gần 100 triệu USD với giá hiện tại.
Rủi ro từ tấn công quá bán
Một giao dịch trong mạng lưới blockchain sẽ được ghi lại nếu trên 50% số máy trong mạng lưới xác nhận nó là đúng. Sau khi đã được ghi lại, giao dịch đó gần như sẽ không thể bị thay đổi, trừ khi có ít nhất trên 50% số máy trong mạng lưới cùng xác nhận giao dịch đó.
Về mặt thực tế, việc này rất khó xảy ra. Tuy nhiên trên lý thuyết, nếu một người (hoặc nhóm người) có khả năng kiểm soát trên 50% số máy trong mạng lưới blockchain, họ có thể kiểm soát được các giao dịch trên mạng lưới này.
Một cuộc tấn công quá bán trên mạng lưới blockchain thường được coi là bất khả thi trong thực tế vì để kiểm soát một số lớn trên mạng lưới lưới là rất khó khăn. Tuy nhiên, có nhiều trang trại khai thác khổng lồ đặt tại Trung Quốc, Nga và nhiều nơi khác trên thế giới nắm quyền kiểm soát phần lớn công suất tính toán trong mạng lưới blockchain. Nếu những trang trại khai thác khổng lồ này liên kết lại với nhau, họ có khả năng chiếm dụng mạng lưới blockchain và thao túng vì lợi ích riêng.
Chi phí khai thác các khối mới ngày càng tăng
Thuật toán bằng chứng xử lý (Proof of Work) mà nhiều mạng lưới blockchain sử dụng yêu cầu chứng thực rằng các nguồn lực và công suất tính toán được đóng góp vào mạng lưới trước khi một khối được bổ sung vào mạng. Bằng chứng này được thể hiện dưới dạng lời giải cho một mảnh ghép được thêm vào khối để mạng lưới xác nhận xem có chính xác hay không. Giải đáp mảnh ghép này cần điện năng và công suất tính toán ngày càng lớn.
GIáo sư John Quiggin thuộc Đại học Queensland đã tính ra rằng cứ nửa giờ, mạng Bitcoin sử dụng một lượng điện năng gần tương đương với lượng điện các hộ gia đình bình thường tại Mỹ tiêu thụ trong một năm. Giả định mỗi hộ bình thường tại Mỹ tiêu thụ tự 10.000 đến 12.000 kWh mỗi năm, lượng điện này gần bằng lượng điện cần thiết để tạo ra 4 Bitcoin.
Hơn nữa, độ khó của các khối mới của mạng blockchain ngày càng tăng, nên lượng tiêu thụ điện năng cũng sẽ tăng, điều này khiến chi phí càng cao và đòi hỏi càng nhiều nguồn lực để vận hành blockchain sử dụng thuật toán bằng chứng xử lý (Proof of Work) trên quy mô lớn.
Thiếu khả năng mở rộng
Cứ mỗi 10 phút sẽ có một khối mới được bổ sung vào blockchain bitcoin. Mỗi khối chứa khoảng 2.000 giao dịch, tức là mạng lưới bitcoin hiện xử lý được khoảng 3 giao dịch mỗi giây. Vì kích thước khối hạn chế nên mạng lưới bitcoin chỉ có khả năng xử lý tối đa 7 giao dịch mỗi giây. Đây là con số quá nhỏ so với số lượng giao dịch mỗi giây mà các định chế tài chính lớn đang xử lý. Chẳng hạn, VISA sử dụng mạng lưới IBM có khả năng thực hiện trên 20.000 giao dịch mỗi giây.
Một vấn đề khác hạn chế khả năng mở rộng ứng dụng của blockchain. Khi một người đi mua hàng và thanh toán bằng thẻ tín dụng, nhưng không đủ tiền trong thẻ để thanh toán, giao dịch đó sẽ bị từ chối. Mạng lưới sử dụng công nghệ blockchain không có khả năng này.
Nếu mỗi giao dịch trên blockchain bitcoin sẽ cần tối thiểu 10 phút mới bổ sung vào blockchain nên các công ty có thể sẽ phải chờ nhiều khối được thêm vào hơn trước khi xác nhận giao dịch, để đảm bảo rằng giao dịch sẽ không bị đảo chiều.
Nhiều người nhắc đến viễn cảnh công nghệ blockchain sẽ biến đổi hoàn toàn thế giới. Tuy nhiên trong thực tế, ngay cả khi mọi người muốn sử dụng bitcoin và hệ thống dựa trên nền tảng blockchain, nhiều người vẫn ưa thích các phương thức cũ. Chẳng hạn, nhiều người vẫn sẽ sử dụng tài khoản tại một ngân hàng được bảo mật bởi ngân hàng hơn là tự mình phải lưu trữ các mã khóa.
Suy cho cùng, công nghệ blockchain là cách thức mới để lưu trữ và quản lý dữ liệu. Ở thời điểm hiện tại và trong tương lai gần, công nghệ này chưa thể là giải pháp cho mọi vấn đề trên thế giới. Vì thế những người quan sát, người nghiên cứu, người ứng dụng công nghệ này cần phải khách quan khi đánh giá tiềm năng của blockchain, đặc biệt là tỉnh táo trước cơn sốt đầu cơ tiền số.