CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) vừa có buổi gặp gỡ nhà đầu tư, trong đó Bách Hoá Xanh tiếp tục là mối quan tâm trọng điểm. Đặc biệt, sau nhiều tham vọng và động thái thâm nhập mới, đại diện MWG khẳng định sẽ không làm thêm gì cho đến năm 2020.
Bách Hoá Xanh dự thâm nhập miền Trung vào 2020, đến năm 2021 sẽ có mặt ở miền Bắc
Thứ nhất với Bách Hoá Xanh, CEO Trần Kinh Doanh bày tỏ cảm nhận cá nhân sau 2-3 năm, Bách Hóa Xanh khi có 6.000-8.000 cửa hàng có thể chiếm 10-15% thị phần. Song, "biết đâu lúc phát triển đến 4.000-5.000 cửa hàng, con số hướng tới lại là 10.000-15.000. Khi chưa làm điện máy, chúng tôi nghĩ có 200 cửa hàng đã là rất lớn nhưng giờ Điện Máy Xanh đã có gần 1.000 cửa hàng rồi", vị này nhấn mạnh.
Hiện, mặc dù còn thua lỗ nhưng đến tháng 6, gần 40% số cửa hàng Bách Hóa Xanh đã tạo ra đủ nguồn thu để bù đắp cho tất cả các chi phí hoạt động trực tiếp, bao gồm cả chi phí trung tâm phân phối và khấu hao. Do đó, người đứng đầu dự báo toàn chuỗi sẽ sinh lời trước khi tính đến chi phí quản lý (G&A) trước tháng 12/2019.
MWG dự kiến sẽ mở rộng chuỗi Bách Hóa Xanh sang miền Trung vào năm 2020. Việc thâm nhập vào miền Bắc nhiều khả năng sẽ được tiến hành trong hoặc sau năm 2021.
Biên lợi nhuận gộp trong tháng 6/2019 của chuỗi đạt 19% so với khoảng 18% vào tháng 3/2019 nhờ mở rộng quy mô và tăng cường mua hàng trực tiếp từ nhà cung cấp. Số cửa hàng theo mô hình chuẩn (khoảng 200m2/cửa hàng, chiếm 83% số cửa hàng Bách Hóa Xanh) trung bình đạt doanh thu 1,4 tỷ đồng/cửa hàng/tháng; trong khi cửa hàng lớn (khoảng 300m2/cửa hàng, 17% số cửa hàng còn lại) trung bình đạt hơn 2,3 tỷ đồng/cửa hàng/tháng.
Ban lãnh đạo dự kiến đến cuối năm 2019 sẽ có tổng cộng 900-1.000 cửa hàng Bách Hoá Xanh, hơn nữa có thể mở thêm 70-80 cửa hàng/tháng đến năm 2020. Trong đó, dư địa mở rộng tại Tp.HCM được đánh giá còn nhiều, dự kiến có thể mở tối đa tổng cộng 1.500 cửa hàng (từ mức hơn 380 đơn vị tính đến giữa năm nay).
Đáng chú ý, ngoài việc tập trung vào mở các cửa hàng mới tại miền Nam, Công ty còn dự kiến sẽ mở rộng chuỗi Bách Hóa Xanh sang miền Trung vào năm 2020. Việc thâm nhập vào miền Bắc nhiều khả năng sẽ được tiến hành trong hoặc sau năm 2021.
Chủ tịch từng đề cập đến việc đổi tên
Trước tốc độ phát triển cũng như tham vọng của MWG với thị trường thực phẩm, nhà đầu tư đặt câu hỏi: "Khi nói tới Thế Giới Di Động, tôi cảm thấy công ty gắn tên với một ngành đang yếu đi, ban lãnh đạo có suy nghĩ đổi tên để đúng với hoạt động kinh doanh đang làm hay không?".
Trả lời, CEO MWG cho biết doanh nghiệp chắc chắn sẽ đổi tên ở thời điểm thích hợp và Chủ tịch là ông Nguyễn Đức Tài cũng từng đề cập vấn đề này.
"Hiện 80-90% doanh thu của Thế Giới Di Động vẫn đến từ sản phẩm điện tử tiêu dùng nên cứ giữ tên đó. Nhưng một ngày nếu doanh thu từ thịt, cá, rau củ chiếm 60-70%, nó sẽ không phù hợp nữa. Việc này cũng không quá quan trọng, vì người mua cổ phiếu quan tâm công ty lợi nhuận bao nhiêu chứ không phải tên gì", vị này nói.
Hiện 80-90% doanh thu của Thế Giới Di Động vẫn đến từ sản phẩm điện tử tiêu dùng.
Sẽ không làm thêm gì mới đến năm 2020
Thứ hai với những động thái thâm nhập mới đây, đáng chú ý xoay quanh chuỗi Điện thoại giá rẻ, MWG khẳng định muốn chiếm phân khúc khách hàng quan trọng về giá cả, chiếm đâu đó 20% thị phần.
Cuối cùng, "chiến thuật" kéo tăng trưởng thông qua bán đồng hồ, mắt kính, xoong nồi… hiện có hơn 50 điểm bán đồng hồ (nằm trong các cửa hàng Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh), ban lãnh đạo dự kiến đến tháng 9/2019 sẽ có 100 điểm bán đồng hồ, đến cuối năm có 200 điểm và đến tháng 6/2020 có 500 điểm.
Trung bình, mỗi điểm bán đồng hồ đeo tay của MWG bán ra 25 chiếc mỗi ngày với giá trung bình 1,4-1,5 triệu đồng/chiếc.
Cùng với đó, MWG vừa mở 6 điểm bán lẻ kính mát (nằm trong các cửa hàng Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh). Trung bình, các điểm bán lẻ kính mát của MWG bán ra khoảng 10 chiếc/ngày với giá trung bình khoảng 1,8 triệu đồng/chiếc.
Đặc biệt, khi được hỏi thêm về cơ hội kinh doanh các ngành hàng mới, người đứng đầu khẳng định Công ty sẽ chưa làm gì mới trong năm nay và cả năm sau, để tập trung hết sức cho đồng hồ và sau đó là mắt kính.
Song, đồ nhà bếp chuyên nghiệp, trang thiết bị âm thanh cao cấp, sản phẩm nhà thông minh (smart home) là những nhóm ngành hàng có nhiều tiềm năng, MWG nhắm chừng.
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2019, MWG ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 51.727 tỷ đồng (tăng trưởng 16% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế (LNST) đạt 2.121 tỷ đồng (tăng trưởng 38%). Theo đó, MWG lần lượt thực hiện 48% kế hoạch doanh thu và 59% kế hoạch LNST cả năm.
Doanh thu online luỹ kế 6 tháng đạt 7.720 tỷ đồng, đóng góp 15% trong tổng doanh thu của MWG, và tăng trưởng 39% so với cùng kỳ năm trước. Kể từ tháng 5, để khai thác hiệu quả nhất mô hình bán lẻ đa kênh (omnichannel), MWG đã chủ động điều chỉnh các chương trình khuyến mại nhằm tránh sự chênh lệch lớn trong giá bán.