Chiều ngày 16.3.2018, công ty đầu tư TGDĐ (mã chứng khoán tại HOSE: MWG) đã tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2018 trong tình cảnh giá cổ phiếu (CP) là 113.400đ/CP. Đây được xem là mức giá CP thấp nhất từ đầu năm tới nay của nhà bán lẻ hàng điện máy kỹ thuật số đang dẫn đầu thị trường Việt Nam.
Trước đó vài ngày, tổng giám đốc FPT Shop Nguyễn Bạch Điệp và phó tổng giám đốc Nguyễn Việt Anh lại “tung tăng” ở Bangkok (Thái Lan) và London (Anh) để nói chuyện về FPT Shop với các nhà đầu tư, trong hai sự kiện có sự tham dự của các nhà đầu tư lớn trên toàn cầu.
Đã xuống đò…
Tại đại hội cổ đông chiều ngày 16.3.2018, hội đồng quản trị TGDĐ đã công bố kế hoạch năm 2018 với doanh thu là 86.390 tỷ đồng (tăng 30% so với năm 2017), lợi nhuận sau thuế là 2.603 tỷ đồng (tăng 18%). Với những chỉ số trên, TGDĐ, dù là “gái nhiều con” nhưng vẫn còn sung sức!
Nhưng làm gì để đạt được những con số trên, nhiều nhà đầu tư e ngại khi đọc những con số được nêu ra trong đại hội lần này.
Ông K.Q, một nhà đầu tư chứng khoán cho rằng, chuỗi Thegioididong.com không còn tăng trưởng tốt. Chuỗi Điện máy Xanh (ĐMX) có thể phát triển đến hết năm 2019 là chạm nóc. Vậy còn Bách hoá Xanh (BHX) thì sao? Theo ông Trần Kinh Doanh, tổng giám đốc TGDĐ, hiện BHX có doanh thu khoảng 250 tỷ đồng/tháng, trung bình là 700 triệu đồng/cửa hàng/tháng. Điều đó có nghĩa, hiện BHX còn lỗ 300 triệu đồng/cửa hàng/tháng. Theo ông Doanh, dư địa phát triển của BHX còn lớn, nên khoản lỗ trên “có thể” sẽ được “khắc phục” trong năm 2018 với 500, tối đa là 1.000 cửa hàng! Riêng chuỗi thuốc tây An Khang, vì còn nhiều phức tạp nên TGDĐ chỉ đầu tư 49%, thay vì 100%, như tuyên bố của ông Nguyễn Đức Tài, chủ tịch hội đồng quản trị, trước đây.
Ngoài những chỉ số trên, trong năm 2017, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp của TGDĐ tăng từ 5.200 tỷ đồng lên trên 8.300 tỷ đồng, cũng là điều mà các nhà đầu tư chứng khoán e ngại về cách thức quản lý chuỗi hiện nay.
Một trăn trở khác của các nhà đầu tư, vào đầu năm 2018, nhiều lãnh đạo của TGDĐ đã liên tục bán ra CP, làm dấy lên câu hỏi: “TGDĐ có làm sao mới bán ra nhiều CP như vậy”. Như ông Trần Kinh Doanh bán 554.320 CP MWG, ông Vũ Đăng Linh, giám đốc tài chính TGDĐ bán 12.000 CP. Nhiều ý kiến quan ngại việc lãnh đạo TGDĐ bán bớt CP với bất cứ lý do gì, sẽ làm nhà đầu tư giảm dần niềm tin vào doanh nghiệp này. Liệu đây có là nguyên nhân chính mà CP TGDĐ sụt giảm dần trong thời gian qua?
FPT Shop – căng tràn sức xuân
Tính đến 31.12.2017, chuỗi Thegioididong.com có 1.072 cửa hàng với doanh thu 34.708 tỷ đồng. Còn FPT Shop có 475 cửa hàng với doanh thu 13.100 tỷ đồng. TGDĐ chưa tách phần lãi sau thuế của Thegioididong.com. Với FPT Shop, theo lời bà Bạch Điệp, lợi nhuận sau thuế là 290 tỷ đồng. Trao đổi với Thế Giới Tiếp Thị, bà Điệp xác nhận, trong lĩnh vực bán lẻ kỹ thuật số, chuỗi Thegioididong.com hoàn toàn xứng đáng với vị trí số một. “Tôi rất tôn trọng những đóng góp của Thegioididong.com với khách hàng, thúc đẩy thị trường bán lẻ số phát triển…”, bà Điệp nói.
Ông Nguyễn Việt Anh, phó tổng giám đốc FPT Shop, đang chia sẻ thông tin với các nhà đầu tư thế giới. Ảnh: Nhã Yến
Nhưng hành trang của FPT Shop gọn nhẹ (hiện tại chỉ có hai chuỗi bán lẻ trong cùng lĩnh vực: FPT Shop và F.Studio) và vẫn “căng tràn sức xuân”, vì trong tháng 4.2018 nhà bán lẻ này mới chính thức… sang sông!
Ngày 11.8.2017, VinaCapital và Dragon Capital là hai nhà đầu tư chiến lược của FPT Shop khi nắm 30% cổ phần, tương đương với 6 triệu CP của nhà bán lẻ này. Tiếp theo sau là hàng loạt hoạt động của FPT Shop như tiếp xúc nhà đầu tư trong nước, công bố kế hoạch lên sàn…
Gần đây nhất, vào hai ngày 7 – 8.3.2018, tại sự kiện quảng bá thị trường vốn và các cơ hội đầu tư tài chính vào doanh nghiệp Việt Nam do VinaCapital và Maybank Kim Eng Việt Nam tổ chức ở London (Anh) và diễn đàn thường niên các nhà đầu tư châu Á do CLSA tổ chức tại Bangkok (Thái Lan), FPT Shop là nhà bán lẻ nhóm hàng kỹ thuật số đầu tiên và duy nhất của Việt Nam có cơ hội quảng bá hình ảnh với các nhà đầu tư quốc tế như: JP Morgan, Lazard, Royal Bank of Canada, HSBC, Amundi... Có ý kiến cho rằng, động thái của VinaCapital không lạ, vì họ là nhà đầu tư nên biết cách “đánh bóng” hình ảnh của đối tác trong mắt các nhà đầu tư lớn trên thế giới, để hàng của họ được giá cao hơn. Nhưng theo một nhà đầu tư (không tiết lộ tên), động thái đó đem lại những giá trị mới tốt đẹp cho FPT Shop. Ông Don Lam, tổng giám đốc VinaCapital cho rằng, thông qua sự kiện trên, các nhà đầu tư tại Anh và châu Âu “sẽ tăng thêm niềm tin để quyết định đầu tư dòng vốn mới với quy mô lớn vào doanh nghiệp Việt Nam”.
Chia sẻ với Thế Giới Tiếp Thị sau hai hội nghị trên, bà Điệp cho rằng, vì đây là hai hội nghị đầu tư lớn của Đông Nam Á và thế giới nên khi được mời, FPT Shop đã có dịp giới thiệu về hoạt động, hướng đi những năm tới… với các nhà đầu tư để hầu tìm kiếm cơ hội hợp tác. Theo bà Điệp, tại ba ngày của diễn đàn CLSA, bà đã xếp lịch làm việc với các nhà đầu tư “từ sáng đến tối”, vì đây là doanh nghiệp Việt có nhiều nhà đầu tư đăng ký được trao đổi trực tiếp.
Còn theo lời ông Nguyễn Việt Anh, tên tuổi của FPT Shop được nhiều nhà đầu tư lớn tại châu Âu quan tâm, bằng những buổi trao đổi trực tiếp. “Tôi cảm nhận là nhà đầu tư hiểu rõ về FPT Shop nhiều hơn, kỹ hơn… Kết quả đó sẽ tạo áp lực cho FPT Shop trong việc biến các chiến lược và mục tiêu tăng trưởng của FPT Shop thành hiện thực”, ông Việt Anh nói.
Theo lời ông Việt Anh, FPT Shop sẽ lên sàn HOSE trước dịp 30.4.2018.