Thế giới dự báo kinh tế Việt Nam: Điểm sáng năm 2023

20/12/2022 07:28
Nền kinh tế Việt Nam năm 2023 vẫn sáng sủa trong bức tranh chung, nhưng khó khăn của các đối tác sẽ mang lại thách thức lớn cho khu vực châu Á và Việt Nam nói riêng.

Trong tuần qua, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 12 cũng như một số dự báo cho năm sau.

Điểm sáng năm 2022

Trong báo cáo tháng 12-2022, WB đánh giá cả hai động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam gồm xuất khẩu và nhu cầu trong nước đều đang chững lại, đồng thời tiêu dùng hậu thời kỳ dịch bệnh COVID-19 cũng đang có dấu hiệu phục hồi chậm. So với cùng kỳ năm ngoái, tăng trưởng sản xuất công nghiệp giảm còn 5,3% trong tháng 11, thấp nhất kể từ tháng 2 năm nay.

Chỉ số quản lý thu mua (PMI) trong lĩnh vực chế tạo - chế biến lần đầu trượt về vùng suy giảm, thấp hơn mốc 50 điểm, kể từ tháng 10-2021. Doanh số bán lẻ được đánh giá vẫn ở mức cao, nhưng tốc độ tăng đang giảm dần, đạt 17,5% trong tháng 10-2022 so với 20,7% của cùng kỳ năm trước.

Giới quan sát hầu hết nhìn nhận rằng các thách thức cho kinh tế Việt Nam chủ yếu xuất phát từ ảnh hưởng kinh tế toàn cầu, khi các thị trường đối tác của Việt Nam đa số gặp khó khăn. Đại dịch COVID-19, cuộc chiến ở Ukraine, giá năng lượng leo thang, lạm phát cao, cũng như việc các ngân hàng trung ương trên toàn cầu thắt chặt chính sách tiền tệ đang khiến nhiều nền kinh tế lớn lao đao, trong đó có Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.

Trong bối cảnh này, kinh tế Việt Nam được xem là một điểm sáng. Trong báo cáo mới nhất công bố tuần trước, ADB hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế đối với khu vực châu Á đang phát triển và Thái Bình Dương. Theo đó nền kinh tế khu vực sẽ tăng trưởng 4,2% trong năm nay và 4,6% vào năm sau.

Đối với Việt Nam, ADB nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay lên 7,5%, trong khi lạm phát 2022 được điều chỉnh xuống còn 3,5%.

Tương tự, Ngân hàng đầu tư Natixis (trụ sở ở Paris, Pháp) cũng dự báo kinh tế Việt Nam 2022 tăng trưởng 7,5%. Theo bà Alicia Garcia Herrero - kinh tế trưởng phụ trách châu Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng đầu tư Natixis, Việt Nam chính là nền kinh tế châu Á phát triển nhanh nhất năm 2022.

"Với cơ sở hạ tầng cải thiện từ đường sá tới năng lượng, nhờ đầu tư mạnh mẽ trong thập kỷ qua cũng như chính sách tự do hóa thương mại, Việt Nam đã biến mình trở thành điểm đến thu hút đối với các nhà đầu tư vốn đang muốn đa dạng hóa chuỗi sản xuất khỏi Trung Quốc", bà Herrero nói với Tuổi Trẻ.

Thách thức năm tới

Các dự báo cho năm 2023 đến nay hầu hết đều theo hướng cho rằng kinh tế toàn cầu sẽ phát triển chậm lại, và điều này sẽ kéo nền tăng trưởng Việt Nam chậm theo, dẫu Việt Nam vẫn sẽ là một trong những nước "giữ phong độ" tốt nhất.

Chuyên gia Herrero nhận định thêm với Tuổi Trẻ rằng trong khi Việt Nam đã thu hút thành công sản xuất từ các công ty đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhu cầu thế giới chậm lại đã tác động đáng kể tới điều này.

"Về tăng trưởng GDP, chúng tôi kỳ vọng kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ đạt mức 6,5% trong bối cảnh tiêu dùng và xuất khẩu chậm lại, và Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới nhờ dòng vốn FDI khỏe mạnh khi các công ty tiếp tục đa dạng hóa chuỗi cung ứng...", chuyên gia này nói.

Một trong những diễn biến được chú ý nhất trong năm 2023 sẽ nằm ở khả năng phục hồi của Trung Quốc sau đại dịch. Natixis cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục mở cửa từ đây đến sau tháng 3-2023, và điều này khiến doanh số bán lẻ phục hồi nhanh, tác động tích cực lên thị trường du lịch...

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Steven Okun, cố vấn cấp cao tại Công ty tư vấn McLarty Associates, cho rằng trong tình hình địa chính trị hiện nay, các doanh nghiệp nước ngoài có thể sẽ tiếp tục "tạm dừng" đầu tư mới vào Trung Quốc cũng như chuyển chuỗi sản xuất sang các nước khác, ví dụ Việt Nam.

Theo đó, việc chấm dứt chính sách zero-COVID ở Trung Quốc không làm thay đổi xu hướng này trong phần lớn thời gian tới. Khi các nước gồm Mỹ và đối tác cùng chí hướng hạn chế đầu tư vào Trung Quốc, Việt Nam tiếp tục có cơ hội là điểm đến thân thiện cho các công ty Mỹ, Nhật Bản và châu Âu rời khỏi Trung Quốc và đến Đông Nam Á.

"Để thu hút các hoạt động kinh doanh lớn và phức tạp hơn rời khỏi Trung Quốc hoặc tìm cách thâm nhập các thị trường đang phát triển ở Đông Nam Á, Việt Nam sẽ cần tìm cách đầu tư và thu hút cả nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu tiềm năng này", ông Okun cho hay.

"Việt Nam có vị trí thuận lợi để giảm thiểu các thách thức, đóng vai trò là một điểm đến cho các công ty tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc. Dân số đông đảo, trẻ trung, vị trí đắc địa khi ở gần Trung Quốc và dọc theo tuyến đường vận chuyển quan trọng, tất cả khiến Việt Nam trở thành địa điểm có khả năng cạnh tranh cao, kể cả trong môi trường vĩ mô khó khăn. Các doanh nghiệp và nhà đầu tư sẽ theo dõi cách Chính phủ Việt Nam giải quyết môi trường địa chiến lược đầy thách thức này với một số lạc quan", chuyên gia Okun bình luận.

Vai trò của thị trường Mỹ và EU

Xuất khẩu vẫn chiếm tỉ trọng đáng kể trong nền kinh tế Việt Nam, và điều này khiến Việt Nam phải đặc biệt chú ý tới biến động từ các đối tác lớn như Mỹ và EU.

"Nhu cầu ở Mỹ và EU đang giảm nhanh và điều này sẽ có tác động tiêu cực lên các nền kinh tế châu Á, đặc biệt các nước đang có độ mở lớn đối với kinh tế thế giới thông qua thương mại và đầu tư.

Trong số các nước châu Á, Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất từ nhu cầu bên ngoài, khi xuất khẩu sang Mỹ và EU chiếm 41% tổng xuất khẩu và 38% GDP", chuyên gia Alicia Garcia Herrero đánh giá.


Tin mới

Trừng phạt của phương Tây "như muối bỏ bể", doanh thu từ dầu khí của Nga vẫn tăng đều, dầu Moscow "biến hình" không ngừng chảy vào châu Âu
6 giờ trước
Nga đã tận dụng 3 "lỗ hổng" khiến những lệnh trừng phạt của phương Tây trở nên thất bại.
[Trên Ghế 43] Ông chủ Phê Phượt bày cách phượt bằng ô tô: Đi gì, ăn gì, ở đâu, mấy ngày và làm gì?
6 giờ trước
Xuyên Việt hàng chục lần, anh Đoàn Kiều Dũng có thừa kinh nghiệm để chia sẻ cho những ai đang có ý định phượt bằng ô tô.
"Con làm cha phá" là đây: Nuôi ngan vịt ở Châu Phi không dám ăn, ông Quý vừa sang đã làm 1 việc Quang Linh Vlogs khóc ròng
7 giờ trước
Nam YouTuber ở Việt Nam nhìn thấy cảnh này mà “khóc thét”.
Giá xăng dầu hôm nay 22/11: Đột ngột bật tăng phiên cuối tuần
8 giờ trước
Giá xăng dầu hôm nay 22/11: Giá dầu thô thế giới đột ngột bật tăng trong phiên cuối tuần. Giá dầu WTI và Brent tăng từ 1,3 USD đến 1,4 USD/thùng so với ngày hôm qua 21/11.
GS thắng giải 3 triệu USD của tỷ phú Phạm Nhật Vượng “hiến kế” cho lĩnh vực Việt Nam đứng thứ 3 thế giới
8 giờ trước
Lĩnh vực này có thể mang về nhiều tỷ USD cho Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục

Hàng trăm nghìn tấn báu vật từ Canada đổ bộ Việt Nam với giá rẻ bất ngờ: Chi hàng tỷ USD nhập khẩu, nước ta tiêu thụ 10,4 triệu tấn mỗi năm
1 ngày trước
Nhập khẩu mặt hàng này từ Canada đã tăng mạnh 128% trong 9 tháng đầu năm.
Chỉ mất 3 năm để làm được điều Elon Musk cố gắng suốt 12 năm mới đạt được, Xiaomi làm rung chuyển ngành ô tô toàn thế giới
2 ngày trước
Xe điện của Xiaomi đang khiến cả thế giới ô tô phải bàn tán.
Giá cà phê đã có nhịp điều chỉnh giảm
2 ngày trước
Sau khi tăng vọt vào đầu tuần trước, giá cà phê đã có nhịp điều chỉnh giảm trong phiên giao dịch đầu tuần.
Giải bài toán tài chính cho khách hàng mua biệt thự “mùa cuối năm”
2 ngày trước
Trong bối cảnh thị trường đang ở giai đoạn “thăm dò”, nhiều người mua bất động sản ưu tiên các yếu tố chắc chắn như: pháp lý rõ ràng, chính sách hỗ trợ tài chính tốt…, loạt ưu đãi hấp dẫn từ Eurowindow Twin Parks kích cầu và gia tăng sức hút ở dòng sản phẩm biệt thự song lập đối với khách mua ở thực và giới đầu tư.