Lithium là kim loại màu trắng bạc, thành phần chính để sản xuất pin/ắc quy dùng trong xe điện. Giá "vàng trắng" này, ngày 9/6 tại Trung Quốc giao dịch ở 474.500 nhân dân tệ/tấn (70.834 USD/tấn) cao hơn 433% so với một năm trước.
Diễn biến giá lithium tại Trung Quốc. Nguồn: Trading Economics
Bùng nổ nhu cầu xe điện
Theo Statista, lượng xe điện tiêu thụ tại Trung Quốc hàng tháng hiện nay là 231.000 chiếc, tương đương với khoảng 2,8 triệu chiếc trong năm nay. Các chuyên gia trong ngành nhận định con số sẽ đạt 7,8 triệu chiếc trong 2025, gấp hơn ba lần hiện tại.
Tiêu thụ xe điện tại Australia trong 5 tháng đầu năm đạt 42.828 chiếc, cao hơn 42% so với mức 34.285 chiếc trong cả năm 2021.
Năm trước, theo Bloomberg NEF, lượng xe điện bán ra toàn thế giới là 6,3 triệu chiếc, gấp đôi so với 2020. Các chuyên gia cho rằng nhu cầu xe điện còn rất lớn và do đó, nhu cầu lithium còn cao.
Lượng xe điện bán ra ở Australia. Nguồn: The Driven |
Tesla muốn khai thác và tinh chế "vàng trắng"
Doanh nghiệp của tỷ phú Elon Musk dự định phát triển một nhà máy mới gần Tesla Shanghai Gigafactory hiện tại để sản xuất ô tô Model 3 và Model Y, bổ sung thêm 450.000 xe vào năng lực sản xuất của công ty. Việc mở rộng này sẽ giúp Tesla sản xuất 1 triệu xe mỗi năm.
Trước thực tế giá lithium tăng, Elon Musk, tiết lộ Tesla sẽ tham gia trực tiếp vào khai thác và tinh chế kim loại này. Chia sẻ trên mạng xã hội Twitter, Elon Musk nhận định "giá của lithium đã tăng một cách điên cuồng" trong khi "nguyên tố này không hiếm" và "hầu như có ở khắp mọi nơi trên trái đất". Elon Musk cho rằng vấn đề chỉ nằm ở tốc độ khai thác và tinh chế.
Lithium dùng trong pin điện thoại, thiết bị điện tử cầm tay và đặc biệt trong pin ôtô điện - thành phần chiếm khoảng 1/3 giá thành của chiếc xe, đồng thời là một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh của một mẫu xe điện trên thị trường.
Trước đó, Tesla đã từng lên kế hoạch cho hoạt động khai thác lithium. Vào năm 2020, công ty xe điện này đã được cấp phép khai thác lithium ở bang Nevada (Mỹ) sau khi mua lại một công ty từng hoạt động trong lĩnh vực này, theo Fortune. Ngoài ra, Tesla được cho đang tuyển dụng những nhân sự phù hợp nhất cho hoạt động khai thác khoáng sản.
Doanh nghiệp Trung Quốc, châu Âu để tâm
Trước "sức nóng" của lithium, ZiJin, tập đoàn sản xuất vàng, đồng và kẽm hàng đầu của Trung Quốc, vừa đầu tư 380 triệu USD để xây dựng nhà máy sản xuất lithium tại Argentina. ZiJin đang hoạt động tại 11 quốc gia trên thế giới.
Nhà máy sản xuất lithium thuộc dự án Tres Quebradas và nằm tại tỉnh Catamarca, phía bắc Argentina. Việc xây dựng sẽ bắt đầu trong năm nay và đi vào hoạt động cuối năm 2023. Khi vận hành, nhà máy sẽ sản xuất 20.000 tấn lithium carbonate/năm. Năm ngoái, Zijin đã mua Neo Lithium Corp của Canada. Neo chính là công ty điều hành dự án Tres Quebradas.
Liên minh châu Âu mới đây cũng thêm lithium vào danh sách các kim loại quan trọng. Liên minh này cũng sẽ tăng cường khai thác ở Nam Mỹ, đặc biệt tại ba quốc gia được mệnh danh là "tam giác lithium" bao gồm Argentina, Bolivia và Chile, để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Theo Kwaisi Ampofo, người đứng đầu bộ phận kim loại và khai thác tại VloombergNEF, ngành công nghiệp xe điện và sản xuất pin đã thu hút lần lượt 271 tỷ USD và 7,9 tỷ USD trong năm 2021. Trong khi đó, "phần thượng nguồn của chuỗi giá trị (phần khai thác – tinh chế) thu hút rất ít vốn đầu tư trong vòng 5 năm qua".
Một nửa nguồn tài nguyên lithium toàn cầu hiện nằm trong "tam giác lithium" – nơi các nhà sản xuất bơm nước muối giàu lithium từ các hồ dưới lòng đất và cho phép chất lỏng bay hơi trong 12-29 tháng để tạo ra một loại bùn có thể xử lý được. Công nghệ hiện tại chỉ có thể thu hồi được khoảng 50% lượng lithium trong nước muối.
Phần lớn nguồn cung còn lại đến từ trầm tích của một loại đá lửa được gọi là spodumene, trong đó Australia là nhà khai thác lớn nhất. Quặng được làm khô và lọc với axit sulfuric và cặn màu xám bạc được vận chuyển đến Trung Quốc để sản xuất thành lithium hydroxit và lithium carbonate – những hợp chất có thể kết hợp với nickel hoặc coban để tạo điện cực pin hoặc với dung môi để tạo chất điện phân.
Cách nhanh nhất để tăng nguồn cung là tăng cường sản lượng từ các nguồn hiện có này. Ganfeng Lithium, một trong những nhà sản xuất lớn nhất thế giới, cho biết sẽ sử dụng lợi nhuận kỷ lục để tăng sản lượng. Pilbara Minerals của Úc đặt mục tiêu nâng công suất sản xuất thêm 50% vào quý kết thúc tháng 9 bằng cách mở rộng mỏ Pilgangoora ở Tây Úc. Đây là dự án có sự tham gia của các đối tác Trung Quốc gồm Great Wall Motor và CATL.
Đối với các nhà sản xuất nước muối-lithium, việc tăng sản lượng gặp hạn chế bởi giấy phép và thời gian để chất lỏng bay hơi. Các siêu cường khai thác mỏ như Australia và Canada đều hứa hẹn sẽ giúp phát triển các nguồn tài nguyên khoáng sản, bao gồm lithium. Trung Quốc gân đây thông báo các nhà địa chất của họ đã phát hiện ra một mỏ spodumene trên cao nguyên Thanh Hải – Tây Tạng ở khu vực đỉnh Everest có thể chứa hơn 1 triệu tấn oxit lithium. Tuy nhiên, sẽ phải mất nhiều năm để phát triển một mỏ mới và ở một số quốc gia, quá trình này còn gặp sự phản kháng của cộng đồng địa phương.