Richard N. Haass, chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, từng là giám đốc hoạch định chính sách cho Bộ Ngoại giao Mỹ giai đoạn 2001 – 2003. Ông còn là đặc phái viên tại Bắc Ireland dưới thời George W. Bush và Điều phối tương lai Afghanistan. Dưới đây là bài viết tựa đề “ cả” của ông đăng trên Project Syndicate.
Mỹ đang phải liên tục đương đầu với nhiều thử thách. Đại dịch Covid-19 cướp sinh mạng của hơn 120.000 người và không hề có dấu hiệu dừng lại tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Nền kinh tế bị ảnh hưởng trầm trọng với khoảng 40 triệu lao động mất việc làm. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự báo nhiều người trong số đó sẽ còn thất nghiệp trong thời gian dài.
Trên hết là sự bùng nổ các cuộc biểu tình sau khi một cảnh sát tại thành phố Minneapolis, bang Minnesota, gây ra cái chết của George Floyd, một người đàn ông Mỹ gốc Phi 46 tuổi. Làn sóng biểu tình lan rộng khắp Mỹ, làm nổi bật lên vấn đề phân biệt chủng tộc sâu sắc tại Mỹ và cả bạo lực, lạm quyền của cảnh sát, những người đại diện cho pháp luật.
Không có gì bất ngờ khi người dân và giới chức Mỹ đều tập trung nguồn lực để giải quyết các thách thức trong nước. Vấn đề là trên thế giới còn nhiều thách thức khác cần sự chú ý từ Mỹ nhưng chưa được nền kinh tế số một thế giới quan tâm.
Tồi tệ hơn cả, hầu hết các mối quan tâm toàn cầu của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đều sai trọng tâm như dọa rút gần 1/3 quân lính đóng tại Đức và toàn bộ lính Mỹ tại Afghanistan, tuyên bố đưa Mỹ rời khỏi WHO và Hiệp ước Bầu trời Mở, khiến đồng minh Mỹ ngày càng quan ngại về độ tin cậy của Washington. Điều này hoàn toàn có thể khiến Mỹ dễ bị tổn thương hơn trước chủ nghĩa phiêu lưu của đối thủ và kẻ thù.
Trong lúc đó, hàng loạt vấn đề trên thế giới đang nhanh chóng trở nên tồi tệ hơn. Tháng trước, quốc hội Trung Quốc chính thức thông qua kế hoạch áp luật an ninh quốc gia với Hong Kong, nguy cơ chấm dứt chính sách “một quốc gia, hai chế độ” dành cho thành phố này sau khi được Anh trao trả cho Trung Quốc năm 1997. Trung Quốc còn có nhiều động thái quyết đoán dọc biên giới tranh chấp với Ấn Độ, cứng rắn trong vấn đề Đài Loan.
Trên thế giới còn nhiều thách thức khác cần sự chú ý từ Mỹ nhưng chưa được nền kinh tế số một thế giới quan tâm. Ảnh: Getty Images.
Triều Tiên gần đây tuyên bố sẽ cắt mọi liên lạc – bao gồm cả đường dây nóng quân sự - với Hàn Quốc, làm dấy lên câu hỏi mới về sự ổn định dọc biên giới được vũ trang dày đặc nhất thế giới. Động thái tiếp theo, Triều Tiên tuyên bố dừng ngoại giao với Mỹ và thay vào đó, gia tăng kho vũ khí hạt nhân. Triểu Tiên hiện tự hào rằng họ có nhiều vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo hiện đại hơn so với trước hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Iran một lần nữa trở thành một mối lo ngại hạt nhân. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thông báo rằng Iran từ chối hợp tác thanh tra về số nguyên liệu hạt nhân không được công bố.
Chỉ trong vài tháng qua, kho dự trữ nguyên liệu hạt nhân của Iran đã tăng thêm 50%, dù độ tinh khiết của số nguyên liệu này vẫn chưa đạt tiêu chuẩn để sản xuất vũ khí. Quốc gia này đang nắm giữ số nguyên liệu hạt nhân gấp 7 lần tiêu chuẩn hiệp định hạt nhân ký với 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Đức và châu Âu năm 2015. Đồng nghĩa thế giới sẽ có ít thời gian hơn để phản ứng trước việc Iran chạy đua hoàn thành một kho vũ khí hạt nhân nhỏ và xây dựng vị thế mới như một sự đã rồi.
Tại Trung Đông, với sự khuyến khích và hỗ trợ từ Mỹ, Israel nhiều khả năng sẽ tiến đến sáp nhập một bộ phận Bờ Tây. Động thái này có thể chấm dứt mọi hy vọng của nhà nước Palestine. Việc sáp nhập sẽ làm suy yếu sự ổn định tại Jordan và hiệp ước hòa bình Israel – Jordan, đồng thời hủy hoại tương lai trở thành nhà nước Do Thái và dân chủ của Israel. Sau khi tiến hành sáp nhập, Israel chỉ có thể chọn 1 trong 2 điều trên.
Căng thẳng gia tăng không phải mối lo ngại duy nhất thế giới phải đối mặt. Brazil trở thành vật cản chính trước cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, vốn được định nghĩa là thách thức toàn cầu của thế kỷ này. Dưới chính quyền Tổng thống Jair Bolsonaro, tốc độ bị tàn phá của rừng nhiệt đới Amazon đang được đẩy nhanh. Rừng nhiệt đới hấp thụ lượng lớn khí CO2 của thế giới và ảnh hưởng đến các kiểu khí hậu toàn cầu. Nếu rừng nhiệt đới Amazon bị hủy hoại, tốc độ biến đổi khí hậu sẽ tăng lên, gây nguy hại đến hành tinh và tất cả sinh vật sống.
Sự vô trách nhiệm của Brazil, ở mức độ nào đó, là sản phẩm của tình trạng hỗn loạn trong nước, do sự bùng nổ nhanh chóng của Covid-19 và chính trị dân túy. Nhưng Brazil không phải là quốc gia duy nhất rơi vào tình trạng này. Đại dịch hoành hành tại Mexico, Iran, Ai Cập, Nga và Bangladesh phản ánh hệ thống y tế công cộng không đầy đủ, lãnh đạo kém hoặc cả hai yếu tố trên.
May mắn thay, không phải tin tức nào cũng xấu. Có lẽ tình hình khả quan nhất đến từ châu Âu, nơi Ủy ban châu Âu và Ngân hàng Trung ương châu Âu, được hỗ trợ bởi Pháp và Đức, đang tiến hành giúp đỡ các quốc gia bị tàn phá bởi bệnh dịch, bằng cách định hướng khủng hoảng và hồi phục kinh tế. Một dấu hiệu đáng hoan ngênh khác là sau Brexit, Ủy ban châu Âu đang cho thấy các tín hiệu đổi mới và quyết tâm tạo nên sự khác biệt.
Nhưng có lẽ đây là sự phát triển khả quan duy nhất, ngoại lệ cho tình trạng chung. Trong bối cảnh quan hệ Mỹ, Trung Quốc và Nga xấu đi, một loạt các thách thức khu vực và toàn cầu đang gia tăng. Mỹ ít khả năng và không sẵn sàng để giải quyết chúng. Đối tác và đồng minh của Mỹ không có đủ quyền lực để thực hiện. Còn Trung Quốc thì đưa ra mô hình và chính sách ít người thấy hấp dẫn. Hy vọng duy nhất là Mỹ sẽ tự chỉnh đốn lại bản thân càng sớm càng tốt.
Lịch sử không có nút tạm dừng.