Theo hãng tin Reuters, giá dầu lại tăng nhẹ vào ngày 3-6 khi các thị trường từ chối quyết định tăng sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC +) và nghi ngờ liệu sản lượng tăng từ nguồn này có bù đắp được cho nguồn bị mất từ Nga và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của Trung Quốc khi các hạn chế Covid-19 được nới lỏng hay không.
Hợp đồng tương lai dầu thô (WTI) của U.S. West Texas Intermediate tăng thêm 7 cent, lên 116,94 USD/thùng vào lúc 6 giờ 40 phút GMT (13 giờ 40 phút giờ Việt Nam), trong khi WTI của Brent tăng 18 cent, lên 117,79 USD/thùng.
Chính phủ mới của Úc đang tổ chức các cuộc đàm phán với các đại gia dầu khí để thảo luận về "cách chúng tôi có thể giảm bớt áp lực tức thì đối với các doanh nghiệp và hộ gia đình" - đài ABC dẫn lời thủ tướng Úc Anthony Alnanese. Úc đang phải thắt chặt mức tiêu thụ năng lượng sau khi giá khí đốt tăng và đã cảnh báo về khả năng mất điện.
Khai thác dầu tại Midland, Texas - Ảnh: REUTERS
Cơ quan điều hành thị trường năng lượng Úc, quản lý về khí đốt và điện, vừa phải áp đặt giới hạn đối với giá khí đốt bán buôn trong tuần này, kèm theo cảnh báo về mức dự trữ giảm thấp ở các trung tâm đô thị lớn và miền Đông.
Góp phần vào sự thiếu hụt này là tình trạng mất điện tại một số cơ sở nhiệt điện cũ kỹ hoạt động bằng than đá khi thời tiết dần lạnh hơn.
Hãng tin Bloomberg dẫn lời giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho hay thế giới cần 3.300 tỉ USD mỗi năm cho các khoản đầu tư liên quan đến năng lượng trong suốt phần còn lại của thập kỷ nếu hy vọng đạt được mức phát thải carbon ròng vào năm 2050.
Bà nhấn mạnh các quốc gia phải tìm những phương án khẩn cấp nhằm thu hút thêm nguồn tài trợ cho khí hậu, đặc biệt là ở các nền kinh tế mới nổi. Theo ước tính của BloombergNEF, 755 tỉ USD đã được chi trên toàn cầu cho việc triển khai các công nghệ carbon thấp vào năm 2021.