Tại hội nghị này, theo đài CNBC, các bộ trưởng năng lượng nhất trí về sự cần thiết phải ổn định thị trường dầu toàn cầu nhưng không thảo luận về con số sản lượng cụ thể.
Trước đó một ngày, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất bên ngoài (gọi là OPEC+) đề xuất cắt giảm sản lượng 10 triệu thùng/ngày - một con số cao kỷ lục - trong giai đoạn từ ngày 1-5 đến 30-6. Mexico ban đầu từ chối đề nghị cắt giảm 400.000 thùng/ngày của OPEC+ và chỉ đồng ý mức 100.000/thùng. Dù vậy, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 10-4 cho biết Washington đồng ý cắt giảm mức chênh lệch này sau cuộc trò chuyện giữa ông và Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador.
Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Abdulaziz bin Salman Al-Saud phát biểu tại hội nghị trực tuyến với các bộ trưởng năng lượng khác của nhóm G20 tại thủ đô Riyadh hôm 10-4. Ảnh: REUTERS
Sau hội nghị G20 nêu trên, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak hy vọng các nước bên ngoài OPEC+ sẽ cắt giảm 5 triệu thùng/ngày. Phát biểu với kênh truyền hình nước Nga Rossiya-24, ông Novak cho biết các thỏa thuận có thể giúp sản lượng giảm đến 15 triệu thùng/ngày trong 2 tháng 5 và 6-2020 nếu được thực thi. Con số này tương đương 15% sản lượng dầu trên thế giới hiện nay và là động thái cắt giảm chưa từng có cả về quy mô lẫn số lượng quốc gia tham gia.
Trước mắt, theo hãng tin AP, các nhà phân tích cho rằng mức cắt giảm 10-15 triệu thùng/ngày là đủ để thúc đẩy giá dầu (đã giảm hơn 50% kể từ đầu năm 2020) và giúp giảm bớt sức ép đang đè lên các cơ sở dự trữ dầu thô. Tuy nhiên, đã xuất hiện cảnh báo đề xuất này có thể không đủ bù đắp sự sụt giảm về nhu cầu trong dài hạn giữa lúc dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) đang hoành hành. Ngay cả với mức cắt giảm 15 triệu thùng/ngày, nguồn cung toàn cầu cũng có thể bị thừa đến 5-10 triệu thùng/ngày. Công ty Nghiên cứu Rystad Energy (Na Uy) ước tính sự mất cân bằng về cung cầu trong tháng 4 là 27,4 triệu thùng/ngày.