Theo hãng tin Bloomberg, bất chấp những tranh cãi liên quan đến chiến dịch "Zero Covid", Trung Quốc đã thành công trong việc hạn chế số ca tử vong và đảm bảo được hoạt động sản xuất.
Nhờ những chính sách giãn cách chặt chẽ, xét nghiệm diện rộng và siết chặt quản lý biên giới mà mọi hàng hóa từ iPhone cho đến phân bón hay thiết bị của Tesla vẫn được sản xuất để cung ứng cho toàn cầu.
Như một điều hiển nhiên, nếu người tiêu dùng còn muốn mua các sản phẩm giá rẻ hay không muốn chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy thêm nữa thì chính sách "Zero Covid" của Trung Quốc là cần thiết.
Hãng tin Bloomberg cho rằng đây là sự thật dù có nhiều chỉ trích "Zero Covid" sẽ tác động xấu đến nền kinh tế hay gì đi chăng nữa.
Lợi và hại
Chuyên gia Gita Gopinath của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết chính sách siết chặt giãn cách của Trung Quốc sẽ gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Tương tự Goldman Sachs cũng báo cáo rằng tăng trưởng của nước này sẽ giảm xuống 1,5% trong năm nay, thấp nhất kể từ năm 1976 do những biện pháp cách ly chặt chẽ.
Thế nhưng theo Bloomberg, nếu dỡ bỏ giãn cách và để dịch lây lan rộng trong cộng đồng 1,4 tỷ dân thì tình hình còn tồi tệ hơn nữa, nhất là trong bối cảnh biến chủng Omicron lây lan cực mạnh.
Mặc dù đã tiêm chủng cho 87% dân số nhưng một số nghiên cứu đã cho thấy vaccine nội địa của nước này kém hiệu quả chống Omicron hơn so với nhiều loại khác.
Bởi vậy theo chuyên gia y tế Yanzhong Huang của Viện CFR, việc Trung Quốc giúp phần lớn người dân không bị nhiễm bệnh nhờ "Zero Covid" đã là 1 thành công cực kỳ lớn.
Mô hình của trường đại học Peking dự đoán nếu Trung Quốc mở cửa tự do thì sẽ có hơn 630.000 ca nhiễm mới mỗi ngày do biến chủng Omicron lây lan cực mạnh. Kể cả khi biến chủng mới không dễ gây các triệu chứng nặng và Trung Quốc thành công giữ tỷ lệ tử vong thấp như ở Nhật Bản hay Hàn Quốc thì con số này cũng sẽ cao hơn rất nhiều so với 4.636 người thiệt mạng vì dịch suốt 2 năm qua.
Lấy ví dụ ở Mỹ, việc mở cửa tự do đã khiến gần ¼ dân số thiệt mạng, tương đương hơn 905.000 người.
Dù gây nhiều tranh cãi nhưng phải thừa nhận rằng việc Trung Quốc siết chặt cách ly đã giúp nhanh chóng dập dịch năm 2020 ở Vũ Hán. Tiếp đó là ở Tây An năm 2021 khi 13 triệu dân cư địa phương bị nhốt quanh nhà trong khoảng 1 tháng. Hàng loạt những đợt xét nghiệm diện rộng đã khiến chính phủ kiểm soát được các ổ dịch ở Bắc Kinh, Thiên Tân, Hàng Châu...
Mặc dù chính sách siết chặt này khiến một số cảng biển và nhà máy phải đóng cửa nhưng nói chung ngành sản xuất và nhiều mảng khác của Trung Quốc vẫn hoạt động. Xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đạt kỷ lục trong năm 2020 và 2021 bất chấp đại dịch.
Hãng tin Bloomberg nhận định nếu không nhờ "Zero Covid" của Trung Quốc, có lẽ giá cả hàng hóa tại Mỹ và nhiều nơi trên thế giới còn tăng mạnh hơn nữa sau mở cửa, đi kèm với đó là tình trạng khan hàng.
Mở hay không mở
Hiện nay, chính quyền Bắc Kinh đang khá đau đầu với việc liệu có nên mở cửa trở lại hay không bởi chắc chắn số ca nhiễm sẽ tăng đột biến do thiếu kiểm soát diện rộng.
Ví dụ như Australia, quốc gia này đã học Trung Quốc siết chặt giãn cách và đạt được thành công nhất định. Thế nhưng sau khi bị người dân phản đối vì đóng cửa quá lâu, nền kinh tế này mở cửa trở lại và chứng kiến số ca nhiễm lẫn tử vong vì dịch tăng mạnh.
Trước bài học trên, có lẽ Trung Quốc vẫn sẽ giữ chiến lược "Zero Covid" trong thời gian tới cho đến khi có biến chủng mới nhẹ hơn Omicron hoặc có vaccine hiệu quả hơn.
Xuất khẩu của Trung Quốc liên tiếp đạt kỷ lục bất chấp đại dịch
Vào đầu đợt dịch 2020, rất nhiều người Trung Quốc đã tự cách ly ở nhà còn bệnh viện thì quá tải. Nếu Trung Quốc mở cửa thì Bloomberg cho rằng tình hình sẽ lại tái diễn khi số người nhiễm tăng mạnh, qua đó khiến chuỗi cung ứng đứt gãy hơn nữa.
Hãy tưởng tượng một bối cảnh mà siêu thị hết hàng, tất cả các mặt hàng từ iPhone đến phân bón đều không còn và một cuộc khủng hoảng lớn trên toàn cầu sẽ diễn ra nếu Trung Quốc hoàn toàn đóng cửa.
Bloomberg nhận định ngay cả khi Trung Quốc phải siết chặt tạm thời như hiện nay thì rõ ràng thiệt hại kinh tế mà nó gây ra vẫn nhẹ hơn nhiều so với việc mở cửa hoàn toàn. Dù IMF hạ dự báo tăng trưởng của nước này từ 4,9% xuống 4,4% nhưng nếu từ bỏ "Zero Covid", con số này có khi còn xuống thấp hơn nữa.
Cũng theo IMF, chính quyền Bắc Kinh nhận thức rất rõ được cái giá phải trả khi thực hiện "Zero Covid", nhưng họ cũng hiểu được lợi ích lớn hơn nữa nhờ chiến dịch bảo vệ toàn người dân khỏi dịch bệnh.
Rõ ràng, Trung Quốc càng kéo dài được "Zero Covid" thì thế giới càng có lợi, cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn.