TikTok được phát triển bởi gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc, ByteDance, ra mắt lần đầu tiên vào tháng 9/2016 với tên gọi là "Douyin". Vào tháng 11/2017, ByteDance đã mua lại ứng dụng mạng xã hội khác có tên Musical.ly (còn được gọi là Musers) cho phép người dùng tạo và chia sẻ các video hát nhép ngắn có thời lượng 15 giây trên nền tảng. Công ty sau đó đã "đóng cửa" ứng dụng Musical.ly và kết hợp hầu hết các tính năng của ứng dụng vào Douyin.
Vào tháng 8/2018, ByteDance đã phát hành TikTok, phiên bản toàn cầu của Douyin. Một trong những điểm thu hút chính của TikTok là thuật toán phức tạp, giúp nhanh chóng xác định thị hiếu và sở thích của người dùng dựa trên cách họ tương tác với ứng dụng.
Kể từ đó, TikTok đã được tải về hơn 4,1 tỷ lần từ các kho ứng dụng di động dành cho smartphone. Hiện TikTok có hơn 1 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng.
Dù TikTok có lượng người dùng lớn như vậy, chính phủ nhiều quốc gia lại đang lo ngại mạng xã hội này bị sử dụng như một công cụ gián điệp, có thể thu thập thông tin, sở thích và thói quen người dùng.
Có một điều đáng chú ý, chính Trung Quốc lại là quốc gia cấm mạng xã hội TikTok. Thực tế, công ty ByteDance đã phát triển một phiên bản TikTok dành riêng cho thị trường Trung Quốc, có tên Douyin, còn TikTok là phiên bản mạng xã hội dành cho thị trường quốc tế, người dùng Trung Quốc không thể sử dụng và xem nội dung trên TikTok này.
Về giao diện, các tính năng và cách thức hoạt động của Douyin và TikTok tương tự nhau, nhưng cơ sở dữ liệu của 2 nền tảng này là hoàn toàn riêng biệt. Nội dung trên Douyin sẽ được ByteDance điều chỉnh để phù hợp với luật pháp tại Trung Quốc. Những du khách quốc tế đã cài đặt TikTok trên smartphone nhưng khi đến Trung Quốc sẽ không thể tiếp tục truy cập vào mạng xã hội này vì bị chặn.
Thời gian qua, nhiều quốc gia đã và đang thực hiện chiến dịch cấm Tiktok. Ấn Độ là quốc gia cấm Tiktok đầu tiên. Năm 2020, Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm đối với TikTok và hàng loạt ứng dụng khác của Trung Quốc sau cuộc đụng độ giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc tại biên giới của 2 nước. Đến năm 2021, chính phủ Ấn Độ tuyên bố lệnh cấm đối với TikTok và các ứng dụng Trung Quốc khác có hiệu lực vĩnh viễn.
Sau Ấn Độ, nhiều quốc gia khác cấm người dân sử dụng Tiktok như Iran, Somalia, Kyrgyzstan, Nepal. Trong khi đó, chính phủ các nước như Anh, Pháp, Đan Mạch, Bỉ, Na Uy, Canada, Úc, New Zealand đã đồng loạt cấm nhân viên chính phủ sử dụng TikTok trên các thiết bị do chính phủ sở hữu vì lo ngại các vấn đề về an ninh mạng, quyền riêng tư và thông tin sai lệch, tương tự với các tổ chức của Liên minh châu Âu.
Đây đang là chủ đề "nóng" khi ngay từ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã nhiều lần đe dọa sẽ "cấm cửa" TikTok vì những cáo buộc mạng xã hội này được sử dụng cho mục đích tình báo, thu thập thông tin và thói quen của người dùng tại Mỹ.
Đầu tháng 3/2023, chính quyền Tổng thống Joe Biden yêu cầu các cơ quan chính phủ phải xóa TikTok ra khỏi các thiết bị liên bang vì lo ngại vấn đề bảo mật dữ liệu.
Ngày 23/4 vừa qua, Thượng viện Mỹ hoàn tất bỏ phiếu thông qua dự luật yêu cầu TikTok phải thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance hoặc sẽ bị cấm hoàn toàn tại Mỹ.
Chủ tịch Ủy ban chọn lọc về Tình báo Thượng viện Mỹ - Mark Warner, một đảng viên Đảng Dân chủ, cho biết hiện nền tảng chia sẻ video ngắn này đã cán mốc 170 triệu người dùng tại Mỹ, đặc biệt là giới trẻ sử dụng.
Do lo ngại rằng Trung Quốc có thể truy cập dữ liệu của người Mỹ hoặc giám sát họ bằng ứng dụng này, Hạ viện Mỹ đã thông qua luật lưỡng đảng vào ngày 20/4, cho phép ByteDance có 9 tháng để thoái vốn khỏi TikTok và có thể gia hạn thêm 3 tháng. Nếu dự luật được Thượng viện thông qua, Tổng thống Joe Biden cho biết ông sẽ ký thành luật.
Các nhà lập pháp liên bang đang chuyển sự chú ý sang việc buộc TikTok bán lại cho một chủ sở hữu được Mỹ chấp nhận hoặc bị cấm. Cơ chế của lệnh cấm sẽ nhắm vào các cửa hàng ứng dụng như App Store hoặc Google Play. Nếu họ phân phối hoặc cập nhật Tik Tok, Chính phủ liên bang có thể áp dụng các hình phạt dân sự đối với họ. Các công ty lưu trữ Internet cũng sẽ bị cấm trong việc giúp phân phối hoặc duy trì TikTok.
Theo NYTimes, chính quyền Biden đã muốn chủ sở hữu Trung Quốc của TikTok bán ứng dụng này từ năm ngoái. Tik Tok đã tiến hành các cuộc đàm phán bí mật kéo dài nhiều năm với hội đồng đánh giá của chính quyền, Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ. Điều này để giải quyết các câu hỏi của Chính phủ về mối quan hệ của ByteDance với Chính phủ Trung Quốc và việc xử lý dữ liệu người dùng.
Về phía TikTok, công ty đã chỉ trích các nhà lập pháp vì cố gắng kiểm duyệt người Mỹ. Vào tháng 3, họ đã gửi thông báo đến người dùng nhằm kêu gọi ủng hộ ứng dụng này trước cuộc chiến pháp lý.
TikTok là mạng xã hội xuyên biên giới có tốc độ phát triển nhanh nhất Việt Nam trong vài năm trở lại đây. Số liệu thống kê cho biết, tính đến hết tháng 2/2023, TikTok đạt gần 50 triệu người dùng ở Việt Nam. Đúng 1 năm sau, tính đến tháng 2/2024, số lượng người dùng TikTok ở Việt Nam đạt gần 68 triệu người, đứng thứ 5 trong số các quốc gia có lượng người dùng lớn nhất tại nền tảng này.
Theo số liệu Metric mới công bố, TikTok đã vượt mặt Lazada để trở thành thị trường trực tuyến số 2 của Việt Nam sau Shopee. Các nhà bán hàng trên nền tảng này đã kiếm được khoảng 1,3 tỷ USD trong 6 tháng qua.
Điều đáng nói, Tiktok từng bị chỉ ra nhiều sai phạm tại Việt Nam. Đầu tháng 10/2023, Bộ TT&TT đã công bố kết luật kiểm tra TikTok. Đoàn kiểm tra của Bộ TT&TT cho biết vi phạm của TiKTok Việt Nam tập trung vào nội dung trên mạng xã hội và hoạt động thương mại điện tử, được chia thành 7 phần chính.
Trong đó, TikTok vi phạm về nền tảng lưu trữ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam tại các máy chủ CDN trong nước, gồm thông tin giả mạo, xuyên tạc, kích động bạo lực, kích động tệ nạn xã hội, thông tin gây hại cho trẻ em…
Sau kết luận thanh tra của Bộ TT&TT về những vi phạm, TikTok đã hợp tác với Bộ TT&TT trong việc triển khai chiến dịch truyền thông để nâng cao văn hóa ứng xử của người dùng trên mạng, khuyến khích kêu gọi nhà sáng tạo nội dụng, tham gia quảng bá và lan tỏa nội dung để kêu gọi người dùng chống lại tin giả.
Theo đại diện Bộ TT&TT, TikTok đã khắc phục, xử lý các vi phạm theo yêu cầu của Bộ TT&TT đạt 94-95%. Tuy vậy, còn 2 nội dung mà TikTok đang trao đổi với phía Bộ TT-TT, đó là uỷ quyền cho pháp nhân Việt Nam quản lý, xử lý vi phạm theo cơ quan quản lý Việt Nam.
5 năm trước, TikTok trở thành nền tảng Internet nước ngoài duy nhất mở văn phòng tại Việt Nam, khởi đầu là một ứng dụng đăng video trước khi chuyển hướng sang thương mại điện tử. DataReportal cho biết, người dùng Android ở Việt Nam dành trung bình 41 giờ mỗi tháng trên TikTok, cao hơn nhiều so với ứng dụng được sử dụng nhiều thứ hai là Facebook với 28 giờ.
Ngoài việc là mạng xã hội, nền tảng xuyên biến giới này còn phát triển sàn thương mại điện tử TikTok Shop cạnh tranh trực tiếp với Shopee, Lazda, Tiki... Tuy nhiên, sự phát triển "nóng" của TikTok Shop đang khiến ngành bán lẻ online dần mất cân bằng.
Theo ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng PTTH và TTĐT (Bộ TT&TT), TikTok Việt Nam đã không có biện pháp kiểm soát hiệu quả để ngăn chặn hoạt động kinh doanh, buôn bán, quảng cáo hàng giả, hàng nhái, các loại thuốc kích dục, các thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc,…
Nhìn từ khía cạnh khác, mạng xã hội luôn có hai mặt. TikTok nói chung, và TikTok Việt Nam nói chung cần nâng cao kiểm duyệt, chuyển mình theo đúng quy định. "Trong trường hợp các nền tảng xuyên biên giới không tuân thủ các quy định pháp luật, các nền tảng đó sẽ không được chào đón tại Việt Nam", ông Lê Quang Tự Do nhấn mạnh.