Bán dẫn là công nghệ nền tảng của nhiều giải pháp công nghệ hiện tại. Từ hệ thống năng lượng, viễn thông, điện toán đều cần bán dẫn. Bán dẫn có vai trò quan trọng cho sự phát triển, đang mở ra nhiều cơ hội và thu hút nhiều ngành công nghiệp. Và công nghệ bán dẫn không chỉ là “xương sống” phát triển nhiều ngành công nghiệp mà còn thu hút nhân tài cho các quốc gia.
Trong suốt 2 thập kỷ qua, thị trường chip toàn cầu luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kép hàng năm đạt 14%. Và dự báo có thể trở thành ngành công nghiệp nghìn tỷ USD vào năm 2030 khi mà các cường quốc đang đổ hàng tỷ USD để phát triển công nghiệp bán dẫn để tiến tới tự chủ trong lĩnh vực này.
Mỹ đã ban hành Đạo luật Khoa học và CHIPS liên ngành, với các gói hỗ trợ tài chính lên tới 200 tỷ USD trong 10 năm tới để cạnh tranh tốt hơn với Trung Quốc. Còn phía chính Trung Quốc, để tăng cường tự chủ công nghệ, nước này cũng vừa rót thêm gói đầu tư thứ 3 hơn 47 tỷ USD để tập trung phát triển thiết bị sản xuất chip.
Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Đỗ Cao Bảo - thành viên HĐQT Tập đoàn FPT cho biết, hiện nay trên thế giới chỉ có một số ít công ty, một số ít quốc gia nắm quyền kiểm soát hoạt động sản xuất những con chip này. Các quốc gia kiểm soát hoạt động sản xuất chip của thế giới là bốn nước Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan (ít hơn nhiều lần số quốc gia dầu mỏ), trong đó Đài Loan là nước kiểm soát nhiều nhất. Những con chip mà Đài Loan sản xuất đã tạo ra hơn 37% sức mạnh tính toán mà loài người sử dụng mỗi năm. Hãng TSMC của Đài Loan là nơi sản xuất gần như tất cả các con chip tiên tiến nhất thế giới.
Phân tích sâu hơn về điều này, ông Đỗ Cao Bảo nhấn mạnh: "Ngày nay tất cả các ngành kinh tế đều phụ thuộc vào những con chip, vì vậy thế giới đang phụ thuộc rất lớn vào Đài Loan. Thế nhưng việc phụ thuộc vào Đài Loan lại đang có quá nhiều rủi ro. Chỉ cần TSMC ngừng sản xuất chip thì có nghĩa rằng các nhà máy sản xuất điện thoại, máy tính, ô tô, tàu thuỷ máy bay… ngừng sản xuất".
"Chính vì vậy việc dịch chuyển một phần công việc sản xuất chip ra khỏi Đài Loan là việc chắc chắn phải làm. Mỹ là địa chỉ đầu tiên, với bộ luật CHIPS, Mỹ đã mở đường cho TSMC, Samsung thiết lập một số nhà máy chip ở Mỹ. Thế nhưng chắc chắn Mỹ không phải là địa chi duy nhất, chắc chắn còn ít nhất một quốc gia khác nữa sản xuất những con chip không thuộc chip công nghệ tiên tiến nhất".
Cuộc chạy đua công nghệ của các cường quốc nóng lên kéo theo nhu cầu nhân sự trong lĩnh vực bán dẫn sẽ tiếp tục tăng cao. Ước tính tới năm 2030, Trung Quốc cần tới 400.000 nhân sự, Hoa Kỳ cần 67.000 nhân sự, các nước khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… cũng trong tình trạng thiếu hụt bán dẫn.
Đây chính là cơ hội cho Việt Nam trong việc cung ứng nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, đặc biệt khi nhiều tập đoàn bán dẫn hàng đầu thế giới đang rầm rộ tiến vào thị trường Việt Nam và mong muốn đặt cơ sở tại đây.
Tham gia trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng ngày 6/6, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế, kinh tế số phát triển nhanh. Đặc biệt, chúng ta quan tâm giảng dạy, đào tạo toàn diện ngay trong trường đại học, từ công nghệ thông tin đến vật lý, vật liệu… Như vậy, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để tham gia sâu vào lĩnh vực bán dẫn.
Trong khi đó, ông Đỗ Cao Bảo cho rằng, có hai điểm mấu chốt quyết định rằng Việt Nam có cơ hội trở thành quốc gia bán dẫn đó là Mỹ đã lựa chọn Việt Nam và Việt Nam có những yếu tố đáp ứng điều kiện của một quốc gia bán dẫn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo ông Đỗ Cao Bảo, ở chuyến thăm Việt Nam và ký kết đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ vào tháng 9/2023 của Tổng thống Joe Biden, nhiều tờ báo quốc tế lớn đã đưa tin với tiêu đề “Mỹ và Việt Nam đạt thỏa thuận khoáng sản và chất bán dẫn”. Theo nhiều nguồn tin, Mỹ đã ủng hộ Việt Nam trở thành quốc gia bán dẫn, bởi một lý do ít người ngờ tới: Đất hiếm.
Đất hiếm, tuy giá trị không lớn, nhưng một vài thành phần trong đất hiếm lại không thể thiếu trong việc chế tạo những con chip. Cả thế giới trữ lượng chỉ có 130 triệu tấn đất hiếm. Riêng 4 nước Trung Quốc (44 triệu tấn), Việt Nam (22 triệu tấn), Nga (21 triệu tấn) và Brazil (21 triệu tấn) đã chiếm trên 83% (108 triệu tấn) trữ lượng đất hiếm toàn cầu.
Điều này có nghĩa là ngành bán dẫn thế thế giới phụ thuộc vào 4 nước Trung Quốc, Việt Nam, Nga và Brazil. Trong khi Mỹ và phương tây đang cấm vận Nga. Trung Quốc trong cuộc chiến gay gắt chip Mỹ - Trung. Phần còn lại của thế giới sẽ trông chờ vào Việt Nam và Brazil?
"Nếu dịch chuyển một phần chuỗi cung ứng ra khỏi Đài Loan, Mỹ chỉ có hai lựa chọn hoặc là Việt Nam hoặc là Brazil. Chuyến bay của ông Biden bay sang Hà Nội là một cơ sở quan trọng. Nên nhớ rằng Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan trở nên quốc gia giầu có cũng nhờ vào công nghiệp bán dẫn và đều có sự ủng hộ và bật đèn xanh của Mỹ", ông Đỗ Cao Bảo nói.