Theo nhận định của các chuyên gia từ Viện đo lường và đánh giá sức khỏe (IHME) tại Seattle (Mỹ), dự đoán Anh Quốc sẽ có 66.000 trường hợp tử vong vì Covid-19 vào tháng 8, với đỉnh điểm lên tới 3000 ca mỗi ngày. Số liệu dựa trên xu hướng số ca thiệt mạng mỗi ngày ngay từ thời điểm đầu dịch.
Một trong các lý do được đưa ra có liên quan đến tranh luận về khả năng "miễn dịch cộng đồng" từng nổ ra tại Anh. Luận điểm này cho rằng nếu để dịch bệnh lan ra, một tỷ lệ lớn cư dân nhiễm rồi khỏi bệnh sẽ trở nên miễn dịch, và từ đó tạo thành lá chắn cho người không miễn dịch và đẩy nhanh quá trình chế tạo vaccine.
Thủ tướng Anh Borish Johnson cũng đã phải vào phòng điều trị đặc biệt vì Covid-19.
Quan điểm này sau đó đã bị bác bỏ, do lo ngại hệ quả nó để lại là quá lớn trong trường hợp quá nhiều người cần nhập viện và gây quá tải cho hệ thống y tế. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định quan điểm này đã khiến Anh Quốc chậm trễ hơn trong việc thi hành "giãn cách xã hội" - social distancing. Anh thực hiện giãn cách xã hội vào ngày 23/3, thời điểm số người chết trong ngày là 54. Trong khi đó ở Bồ Đào Nha, quy định đã được ban hành khi cả nước mới chỉ có 1 ca tử vong được xác nhận do Covid-19 gây ra.
Mô hình của IHME dự đoán, đến ngày 4/8, Anh Quốc sẽ có tổng cộng 66.314 người chết - con số trung bình trong phổ dự đoán từ hơn 14.000 đến 219.000 người tử vong. Được biết, viện IHME cũng là nơi đưa ra dự đoán về số người nhập viện và cần giường chăm sóc đặc biệt, cũng như số ca tử vong tại các nước châu Âu.
Dựa trên các biện pháp Anh đã áp dụng để ngăn cản sự lây lan virus corona, IHME dự đoán đỉnh dịch sẽ diễn ra trong 10 ngày kế tiếp - ngày 17/4. Ở thời điểm này, Anh sẽ cần hơn 102.000 giường bệnh, trong khi hiện tại chỉ có 18.000 - nghĩa là thiếu 85.000 giường nữa.
Bức tranh tương tự xảy ra với nhu cầu giường chăm sóc đặc biệt, khi họ sẽ phải cần 24.500 giường lúc đỉnh dịch mà hiện tại mới chỉ có 799 giường sẵn sàng. Ngoài ra, số lượng máy thở cần là 21.000. Với con số như vậy, IHME dự đoán Anh Quốc sẽ chứng kiến 2932 ca tử vong mỗi ngày khi dịch đạt đỉnh.
Trong khi đó, các nước châu Âu khác sẽ chứng kiến xu hướng tử vong giảm dần. IHME dự đoán Tây Ban Nha sẽ có tổng cộng hơn 19.000 ca tử vong tính từ đầu dịch, Ý là 20.300 và Pháp là hơn 15.000. Cả 3 quốc gia này hiện đã thi hành các biện pháp phong tỏa cứng rắn và sớm hơn so với Anh Quốc.
Cũng trong dự đoán của IHME, Đức sẽ có đủ số giường bệnh cần thiết trong đỉnh dịch, và sẽ chỉ có khoảng 8800 người chết tính đến ngày 4/8. Pháp cũng có đủ số giường, nhưng thiếu khoảng 4000 giường chăm sóc đặc biệt, dự đoán có 15.000 người thiệt mạng. Ý và Tây Ban Nha thì đã qua đỉnh dịch.
IHME cũng công bố dự đoán dành cho nước Mỹ vào ngày 5/4 vừa qua, với con số khoảng 81.800 người thiệt mạng vào tháng 8.
Tuy nhiên, dữ liệu mới đang gây ra khá nhiều tranh luận, đặc biệt là từ nhóm nghiên cứu ở ĐH Hoàng gia London.
"Số liệu của IHME về 'nhu cầu chăm sóc y tế' - gồm cả giường bệnh và số ca tử vong - có vẻ cao hơn gấp đôi so với xu hướng." - giáo sư Neil Ferguson từ ĐH Hoàng gia London cho biết.
Hồi tháng 3, nhóm này cũng đưa ra mô hình dịch bệnh dựa trên dữ liệu từ chính phủ, qua đó đánh giá số người chết có thể đạt tới 260.000 người ở Anh nếu không áp dụng các biện pháp giới hạn di chuyển. Tuy nhiên, con số có thể giảm xuống, chỉ ở mức 20.000 nhờ các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt.
Theo Ferguson, số liệu của IHME đưa ra 'không khớp với tình hình thực tế tại Anh'. "Về cơ bản, mô hình dự đoán của họ là sai, ít nhất là trong trường hợp của Anh."
Trả lời cho ý kiến này, IHME cho biết mô hình của họ được thiết kế để cập nhật từng ngày. Với Anh Quốc, tình hình dịch bệnh vẫn còn ở giai đoạn sớm, tình trạng thiếu ổn định còn cao và con số có thể thay đổi trong những ngày tới, khi có thêm dữ liệu.
IHME cho biết, con số trong dự báo của họ tại Anh dựa trên 3 yếu tố: Chuyện xảy ra ở các nước bùng dịch trước đó như Ý và Tây Ban Nha; Những gì đã xảy ra tại Anh; và Thời điểm áp dụng cách ly xã hội.
Anh thi hành giãn cách xã hội khá muộn
Trong giai đoạn đầu của dịch bệnh tại Anh, tỉ lệ tử vong tăng rất nhanh, và IHME cho rằng đây là lý do khiến con số dự đoán cao hơn. Trong khi đó, Anh dựa quá nhiều vào quan điểm "miễn dịch cộng đồng", nên phải đến ngày 23/3 mới bắt đầu ban hành "giãn cách xã hội" - thời điểm số ca tử vong trong ngày là 54.
"Chúng tôi đã dự đoán trước vài tuần cho nhiều khu vực khác tại châu Âu," - trích lời tiến sĩ Christopher Murray, giám đốc IHME. "Tại Mỹ, có vẻ số ca tử vong đã vượt qua cả dự đoán của chúng tôi."
"Có bằng chứng rõ ràng rằng việc cách ly xã hội - khi được ban hành và áp dụng tốt - có thể kiểm soát được dịch bệnh, từ đó giảm được tỉ lệ tử vong."
"Xu hướng của mỗi quốc gia sẽ thay đổi theo chiều hướng xấu, nếu mọi người sớm từ bỏ giãn cách xã hội và nới lỏng cảnh giác."
Theo Murray, việc nới lỏng các biện pháp cảnh giác quá sớm có thể khiến dịch bùng lên lần 2, thậm chí lần 3, gây ra thêm nhiều cái chết nữa. Ông cho biết chính phủ cần phải áp dụng xét nghiệm diện rộng sau đợt giãn cách đầu tiên, để kiểm soát rủi ro vào đợt 2.
"Để giảm thiểu rủi ro vào đợt bùng dịch thứ 2 sau khi kết thúc cách ly xã hội, chính phủ cần áp dụng xét nghiệm diện rộng, lần vết và cách ly những ai nhiễm bệnh. Việc này cần được thực hiện cho đến khi vaccine được sản xuất đại trà." - Murray cho biết.
Người phát ngôn của Bộ Y tế và chăm sóc xã hội Anh cho biết: "Các phản ứng của chúng tôi với dịch bệnh - từ quyết định cho đến biện pháp áp dụng đều dựa trên bằng chứng khoa học mới nhất. Và chúng tôi đang làm việc ngày đêm với các chuyên gia hàng đầu để giúp đất nước được an toàn."
Nguồn: The Guardian