Khi Vũ Xuân Sơn đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), anh bỏ ngang để khởi nghiệp rồi thất bại. Đó có thể là điều không bình thường với người khác nhưng Sơn chỉ đơn giản muốn startup và không thể dừng việc đó được. Trong khi rất nhiều người chọn Silicon Valley làm căn cứ địa cho startup của mình bởi ở đó có nhiều điều kiện tốt về nhân lực thì Sơn lại chọn đưa startup (Arevo) với công nghệ in 3D hiện đại nhất thế giới mà mình làm CEO về Việt Nam, lấy nơi mình sinh ra để làm căn cứ địa.
Trước đó, Sơn từng đưa một startup đình đám khác (Misfit) từ Silicon Valley về Việt Nam bởi muốn "đã đến lúc người Việt Nam phải tự sáng tạo, thiết kế, và sản xuất các sản phẩm công nghệ cho riêng mình vì có ngày chúng có thể làm thay đổi thế giới".
Sơn và vợ mình (Lê Diệp Kiều Trang - cựu CEO GoViet và Facebook Vietnam) không chỉ làm điều đó mà còn truyền cảm hứng cho những người Việt Nam khác đang làm startup công nghệ ở nước ngoài trở về nước để phát triển những công nghệ 4.0 đột phá trên chính đất nước hình chữ S. Harrionson.ai – startup AI về công nghệ y tế do 2 sinh viên tài năng Việt Nam ở Úc thành lập là một ví dụ. Họ nhìn vào gương của "cặp đôi hoàn hảo" người Việt ở Silicon Valley để nuôi một giấc mơ tương tự.
"Việt Nam sẽ không chỉ sử dụng công nghệ của nước khác hay làm thuê cho nước khác mà có thể phát triển công nghệ của riêng mình’. Đó là giấc mơ của anh Sơn và chị Trang khi làm Misfit và giờ cũng là giấc mơ của anh em mình", Trần Đặng Minh Trí - đồng sáng lập Harrison.ai (cùng em trai là Trần Đặng Đình Áng) chia sẻ với Trí thức trẻ.
Trong khi đó, GS.TS Vũ Ngọc Tâm (Đại học Oxford) cũng quyết định chuyển phần lớn hoạt động của startup công nghệ y tế có tên Earable của mình từ Mỹ về Việt Nam. Nếu chọn một phương án dễ dàng, anh sẽ ở Mỹ làm việc hoặc sang Anh chứ không trở về nước để "sáng thì làm công ty", "tối thì dạy học online cho sinh viên ở Anh". Vũ Ngọc Tâm cũng giống như Vũ Xuân Sơn không chỉ muốn startup ở Việt Nam để làm giàu.
Làm Giáo sư tại ĐH Oxford (Anh) và Colorado Boulder, mục tiêu của anh là đào tạo nhiều sinh viên Việt Nam trở thành những học giả có tiếng tăm trên thế giới. Còn khi làm startup, giấc mơ của Tâm là tạo ra một "PayPal Mafia của người Việt". PayPal Mafia là một thuật ngữ dùng để chỉ một nhóm founder của PayPal hiện nắm giữ quyền lực và sức ảnh hưởng lớn tại Thung lũng Silicon và đều là tỷ phú nổi tiếng thế giới. Paypal được sáng lập bởi Peter Thiel, Elon Musk và Max Levchin.
Cuối năm 2020, Earable nhận được đầu tư vòng Pre A từ Founders Fund – một quỹ đầu tư mạo hiểm nổi tiếng thế giới do tỷ phú Peter Thiel sáng lập. Quỹ này thường không đầu tư vào các startup từ vòng Pre-seed (khi công ty chưa có dữ liệu vững chắc, việc đầu tư chủ yếu căn cứ vào ý tưởng và khả năng của nhà sáng lập) và Earable của Vũ Ngọc Tâm là một ngoại lệ. Trước đó, Earable còn nhận được tài trợ 10 tỷ đồng từ Vingroup (cho không) và đã nhận được đầu tư của nhiều quỹ mạo hiểm nổi tiếng khác.
Đó là 2 trong số những nhân vật chúng tôi muốn giới thiệu tới bạn đọc trong tuyến nội dung "Thế hệ 4.0". Khi nói về "Thế hệ 4.0", chúng tôi không ngụ ý đó toàn là những người trẻ tuổi bởi như Vũ Xuân Sơn đã là một trung niên (sinh năm 1973) mà là những người khao khát kiến tạo sự thay đổi với công nghệ mới và góp phần xây dựng một đất nước Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn.
Trí thức trẻ hy vọng những nhân vật "Thế hệ 4.0" như Vũ Xuân Sơn, Vũ Ngọc Tâm và cả những doanh nhân chuyên đầu tư vào startup công nghệ kiểu "con gián" ở Việt Nam như Nguyễn Hoà Bình (Shark Bình)… sẽ đem đến cho bạn đọc câu chuyện thú vị vào dịp đầu năm mới Tân Sửu 2021.