Trong đất nước 1,4 tỷ dân Trung Quốc, Gen Y (1981 - 1996) và Gen Z (1997 - 2012) chiếm 40% tổng dân số. Họ rơi vào khoảng 560 triệu người.
Đầu năm 2020, Trung Quốc báo cáo tình hình tài chính ở Gen Y và Gen Z. Họ cho biết, trung bình, mỗi người đang nợ 120.000 NDT (khoảng 428 triệu đồng).
Trước đó 1 năm, tập đoàn tài chính lớn nhất Trung Quốc - Ant Financial tổng kết số lượng khách hàng sử dụng các dịch vụ cho vay tín dụng. Họ tự hào có 500 triệu người đăng ký, đa phần là giới trẻ trong độ tuổi từ 18 - 29. Lượng khách trẻ này chiếm hẳn 86,6%, tức là rơi vào tầm 433 triệu người. Xét trên tổng Gen Y và Gen Z, số người trẻ tuổi Trung Quốc vay tín dụng của Ant Financial chiếm đến 77%.
Tại Trung Quốc, các khoản cho vay tín dụng được phép tính lãi suất từ 36%/ năm trở xuống. Nhưng cũng theo dữ liệu từ Ant Financial, chỉ có 49% khách trẻ thanh toán gói vay đúng hạn. 51% còn lại không đủ khả năng chi trả, phải "đáo hạn" bằng gói vay khác.
Chỉ xét trên tổng số khách vay của Ant Financial, số người Trung Quốc 18 - 29 tuổi "nợ chồng chất" đã lên đến gần 221 triệu. Mặc dù chưa có báo cáo tổng kết tài chính ở Gen Y và Gen Z Trung Quốc năm 2020, nhưng dưới sự ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, e rằng họ còn "nợ ngập đầu" hơn.
Ant Financial là "kiến tài chính", nổi tiếng là công ty khởi nghiệp giá trị nhất toàn cầu, với mức định giá lên đến 150 tỷ đô. Tập đoàn này gọi các khách hàng của mình là "kiến".
Ngay từ khi ra mắt nền tảng thanh toán trực tuyến Alipay vào năm 2015, Ant Financial nhiệt tình khuyến khích và hỗ trợ cho vay tín dụng. Họ giới thiệu nhiều gói vay nhỏ, thúc giục giới trẻ Trung Quốc "cứ thỏa sức mà tiêu dùng".
Văn hóa lối sống Trung Hoa ưa lo xa, đề cao đức tính cần kiệm. Từ lớp Thế hệ X (1965-1980) trở về trước, mọi người "ăn chắc mặc bền", dành dụm vì tương lai… Nửa đầu của Thế hệ Y cũng quan tâm tích cóp, vì mục tiêu sở hữu nhà cửa, xe cộ… Tuy nhiên từ nửa sau của Thế hệ Y, giới trẻ Trung Quốc bắt đầu buông thả. Họ kêu gọi nhau "chỉ sống có 1 lần", nên "cứ việc chi tiêu, tận hưởng hết mình".
Giới trẻ Trung Quốc đua nhau sống sang
Đến Gen Z, chỉ "tận hưởng hết mình" là chưa đủ, mà phải "tận hưởng hơn người". Họ đua nhau mua sắm, trưng diện, chơi bời, trải nghiệm lối sống xa hoa… Chưa đầy 1 năm Ant Financial ra mắt Alipay, trung bình một Gen Z Trung Quốc đã bội chi 516 NDT/ tháng (khoảng 1,8 triệu đồng).
Ngoài Ant Financial, Trung Quốc còn nhiều công ty tài chính khác. Các dịch vụ, ứng dụng cho vay tín dụng chen chúc nhau mọc lên, thủ tục đăng ký cực kỳ đơn giản, nhanh gọn. Cũng như Ant Financial, họ nhanh chóng phát tài nhờ những "kiến" tích cực đóng lãi. Thay vì dành dụm cho bản thân, "kiến" trẻ cống hiến hết thu nhập vào "tổ" cho vay.
Trước cả khi bị Covid-19 hoành hành, giới trẻ Trung Quốc đã khốn đốn vì thất nghiệp. Vào năm 2018, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên Trung Quốc là 4%. Dù vậy, họ vẫn "sống sang hết mình".
Đầu tiên, đã là Y và Z thì phải xài hàng hiệu. Có đến 82% Gen Z Trung quốc tuyên bố, "hàng hiệu là đồ dùng thiết yếu". Họ sẵn sàng chi lớn, bất chấp túi tiền, để mua giày dép, quần áo, túi xách, đồ trang sức… có thương hiệu cao cấp.
Bất chấp nợ ngập đầu, giới trẻ Trung Quốc không dừng mua sắm
Tiếp đến, đã là Y và Z thì phải "xõa". Họ "vui chơi tới bến" và "khoe chiến tích". Từ ăn cho đến ở, giới trẻ Trung Quốc đều yêu cầu phải xa hoa. Không đủ tiền thì vay tín dụng, xin mẹ cha. Có tới 2/3 Gen Z được nhận trợ cấp hàng tháng từ gia đình, với khoản từ 3000 - 10.000 NDT (khoảng 10 - 35 triệu VNĐ).
Có điều, "miệng ăn, núi lở". Covid-19 lại góp phần khiến "núi" lở nhanh hơn. Chỉ sau một năm, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên Trung Quốc đã lên tới 14% (2020). Trên cả nước, kinh tế suy giảm, thu nhập bình quân cũng hạ. Thế hệ Y lũ lượt mất việc, Gen Z thì bị gia đình cắt trợ cấp.
Kết quả, bình quân mỗi người đang mắc nợ 120.000 NDT
Quen sống sang, Y và Z chật vật vì túng tiền và bị nợ đòi. "Chưa bao giờ, tôi thấy sống lại khốn khổ, đau đớn như thế này" - Eva Wang (23 tuổi) kêu than. Từ Y đến Z, số lượng người không công việc, không thu nhập gia tăng. Không tiền bạc kéo theo không nhà cửa, không công việc dẫn đến không địa vị. Giới trẻ Trung Quốc mỉa mai tự gọi là "những kẻ 4K".
Dẫu thừa nhận 4K, các anh chị này không có suy nghĩ "hạ thấp tiêu chuẩn sống". Thay vào đó, họ quyết định… khỏi kết hôn, sinh con. Đầu năm 2021, trang Zhilian Zhaopin (Trung Quốc) khảo sát mong muốn kết hôn của giới trẻ độc thân Trung Quốc. Họ nhận được kết quả, 43,5% các chị em cho biết "không có ý định lấy chồng", vì sợ "chồng con làm giảm chất lượng cuộc sống". Về phía nam giới, 50% các anh cho biết "không có ý định lấy vợ", vì "không đủ tiền".
Vậy là từ 4K, họ hợp thành thế hệ 6K, với 2 "K" mới là không kết hôn và không sinh con.
Sợ sẽ nghèo hơn nữa, họ e ngại kết hôn và có con
Vào năm 2020, Trung Quốc thống kê các cặp kết hôn năm 2019. Họ phát hiện, số các cặp trẻ trong độ tuổi từ 20 - 24 chỉ chiếm 19,7%. Nó thấp hơn năm 2005 hẳn 27,3%, tức là gần 2 lần.
Trong năm 2020, Trung Quốc cũng chỉ có 8,1 triệu cặp đăng ký kết hôn, giảm 12% so với năm 2019. Chính phủ Trung Quốc vô cùng lo lắng, nhưng vẫn đặt hy vọng vào số lượng trẻ mới chào đời. Họ kỳ vọng, Covid-19 sẽ khiến tỷ lệ sinh gia tăng. Tuy nhiên, thay vì bùng nổ trẻ sơ sinh, Trung Quốc phải đón nhận thực tế chỉ có 10,03 triệu bé chào đời, thấp hơn năm 2019 hẳn 462.000 bé.
Tham khảo: Supchina