Nếu năm nay mới bước sang tuổi 18, bạn trẻ hơn cả Amazon và Google. Bạn lên 3 tuổi khi Facebook ra đời, 4 tuổi khi YouTube xuất hiện, 5 tuổi khi Spotify ra đời, 6 tuổi khi Apple cho ra mắt chiếc iPhone đầu tiên và 8 tuổi khi WhatsApp xuất hiện. Còn nếu bạn nằm trong độ tuổi từ 18-30, chắc hẳn bạn còn nhớ quãng thời gian trước khi internet trên di động trở nên phổ biến và thấy được sự tiện dụng mà internet di động mang lại: giờ đây bạn có thể làm mọi thứ trên chiếc điện thoại nhỏ xinh, từ đọc báo, chuyện trò đến chơi game, nghe nhạc, xem video, gọi xe taxi, gọi đồ ăn hay tìm việc làm.
Bạn cũng dùng điện thoại di động để quản lý tiền bạc. Nghiên cứu của Raddon năm ngoái cho thấy ở Mỹ 85% thế hệ Y (những người sinh ra trong các năm từ 1981 đến 1996) sử dụng mobile banking (dịch vụ ngân hàng trên di động) và dự đoán con số sẽ còn cao hơn nữa trong thế hệ Z (những người sinh sau năm 1996). Tiêu chí đầu tiên để chọn ngân hàng là sự tiện lợi. Với thế hệ trước điều đó đồng nghĩa với chi nhánh gần nhà, còn với người trẻ đó là 1 ứng dụng hoạt động mượt mà.
Cũng ở Mỹ, một nửa thế hệ Y sử dụng các dịch vụ thanh toán P2P như Venmo hay Zelle ít nhất 1 lần mỗi tuần. Năm 2017, Bain & Company thực hiện khảo sát tại 17 quốc gia với câu hỏi bạn chọn thứ nào để đem theo nếu chỉ được chọn một giữa điện thoại và ví. Ở tất cả mọi nơi trừ Nhật và Malaysia, hơn 70% người dưới 25 tuổi đã chọn điện thoại.
Người trẻ ngày nay là những khách hàng có yêu cầu khá cao khi họ đã quá quen thuộc với các dịch vụ nhanh chóng và tiện lợi mà Uber và Amazon Prime mang lại. Họ sẵn sàng để các công ty tiếp cận dữ liệu về bản thân, nhưng đổi lại muốn thu về thứ gì đó. Họ có thể để Google Map theo dõi vị trí của mình nhưng là để nhận được chỉ dẫn về đường đi, hay cho phép Netflix theo dõi lịch sử xem của mình để nhận được gợi ý hữu ích.
Tại rất nhiều nước phát triển, người trẻ phải gánh trên vai khoản nợ học phí lớn hơn so với các thế hệ trước. Giá bất động sản tăng cao khiến họ khó có thể sở hữu 1 ngôi nhà. Lớn lên trong giai đoạn nền kinh tế bị tàn phá bởi khủng hoảng tài chính, họ thận trọng hơn với các khoản nợ. Theo Bankrate.com, chỉ 30% thế hệ Y ở Mỹ sở hữu thẻ tín dụng, thấp hơn rất nhiều so với các thế hệ trước.
Tất cả những điều này khiến các ngân hàng khó kiếm tiền từ thế hệ trẻ hơn so với các thế hệ trước.
Hơn thế nữa, thế hệ trẻ ngày nay đòi hỏi các định chế tài chính phải quan tâm đến cả trách nhiệm xã hội và đầu tư giá trị. Họ nghĩ rằng người làm ngân hàng nên quan tâm đến chuyện làm sao để mọi người trở nên giàu có hơn, chứ không phải chỉ quan tâm đến túi tiền của họ như trước.