Kim Sung Jin từng là khách hàng quen thuộc tại cửa hàng Uniqlo ở Seoul, Hàn Quốc. Anh nhân viên văn phòng rất thích sự vừa vặn và kiểu dáng của chiếc áo t-shirt trong cửa hàng bán lẻ đến từ Nhật Bản này. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, phong trào tẩy chay hàng Nhật nổi lên, khiến anh cảm thấy áp lực và không dám đến Uniqlo mua đồ nữa.
Thay vì đến các cửa hàng ở Hàn Quốc, Kim đã đưa "mối quan hệ" của mình với thương hiệu này tiến thêm một bước. Anh bí mật đặt vé máy bay sang Nhật Bản ít nhất mỗi tháng một lần. Kể về chuyến đi Nhật Bản gần đây nhất, Kim chia sẻ: "Tôi đã đến cửa hàng Uniqlo ở Tokyo và mua một chiếc áo t-shirt. Việc mua các sản phẩm của Nhật Bản tại Hàn Quốc bị số đông phản đối, vì thế mua sắm tại quê nhà không phải là điều dễ dàng."
Dù không chia sẻ hình ảnh của những chuyến đi lên các trang mạng xã hội, hay kể với đồng nghiệp, nhưng Kim lại khá cởi mở với gia đình và bạn bè về vấn đề này: "Tôi nói với họ rằng tôi không thích chính phủ Nhật Bản, nhưng tôi không hề ghét nước Nhật."
Trong khi việc đặt vé máy bay sang nước ngoài chỉ để mua những sản phẩm đơn giản như vậy có thể coi là cực đoan, nhưng Kim chỉ là một trong số ngày càng nhiều người Hàn Quốc - được gọi là "fan hâm mộ bí mật của Nhật Bản" trên mạng xã hội. Những người này mua hàng hoá và sử dụng dịch vụ của Nhật Bản một cách kín đáo.
Hiện tượng này diễn ra sau khi cuộc chiến thương mại đang căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc diễn ra, mâu thuẫn bắt nguồn từ khi Nhật Bản còn là thuộc địa của bán đảo Triều Tiên hồi đầu thế kỷ 20. Tháng 7, quan hệ giữa hai nước trở nên tồi tệ hơn khi Nhật Bản tuyên bố sẽ hạn chế xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao sang Hàn Quốc - động thái mà Seoul coi là sự đáp trả cho yêu cầu đòi hỏi một công ty Nhật Bản bồi thường cho các nạn nhân Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động từ thời chiến.
Sau đó, rất nhiều người Hàn Quốc tẩy chay hàng hoá của Nhật Bản, trong đó có các loại sản phẩm từ bia cho tới văn phòng phẩm, tất cả đều bị loại bỏ khỏi các cửa hàng địa phương. Đứng ở thế khó chính là nhóm người tiêu dùng Hàn Quốc rất ưa chuộng sản phẩm của các nhà bán lẻ của Nhật Bản, như Muji, Uniqlo hay chuỗi cửa hàng giá rẻ Daiso. "Nạn nhân" của trận chiến này còn là Lotte - tập đoàn đa quốc gia có trụ sở chính ở cả Hàn Quốc và Nhật Bản.
Cũng như Kim Sung Jin, một số người tiêu dùng Hàn Quốc nhận thấy ngày càng khó để tẩy chay hoàn toàn hàng hoá Nhật Bản. Ví dụ như Mano Lee, một nhà văn tự do sống tại Seoul, đã đối mặt với một vấn đề nan giải khi cô muốn mua một chiếc áo t-shirt màu đen, chỉ Uniqlo mới có. Dù đã tuyên bố ủng hộ việc tẩy chay, nhưng Lee cho biết mình "không còn lựa chọn nào khác" ngoài việc lén lút vào một cửa hàng gần nhà để mua chiếc áo và lẳng lặng rời đi. Chị chia sẻ: "Sau khi mua chiếc áo, tôi phải giấu chiếc túi ấy đi để người khác không thấy, bởi trên đó có in logo của Uniqlo."
Tuy nhiên, những "fan hâm mộ bí mật của Nhật Bản" khác lại không dám "mạo hiểm" đến vậy. Thay vào đó, họ đặt hàng trên mạng. Xu hướng tẩy chay đã cho ra đời những nhóm trò chuyện, cộng đồng trực tuyến, họ thảo luận về các sản phẩm của Uniqlo, chia sẻ với nhau những mẹo để tránh các công ty vận chuyển từ chối giao sản phẩm của Nhật Bản.
Do đó, theo báo cáo hồi tháng 7, dù doanh số bán hàng của các cửa hàng vật lý bị ảnh hưởng nặng nề và phải đóng cửa 4 cửa hàng ở Hàn Quốc trong mùa hè, thì doanh số bán hàng online của Uniqlo vẫn tăng mạnh.
Với những gì đang diễn ra, có lẽ không gì đáng ngạc nhiên nhà bán lẻ này đẩy mạnh chiến lược kinh doanh kỹ thuật số như sự kiện "Kỷ niệm 15 năm bán hàng trực tuyến", với những ưu đãi giảm giá lên đến 50% cho rất nhiều sản phẩm mới. Một chiếc áo len cashmere cổ thuyền của nam được bán với giá 699 (106.000 won) tại cửa hàng online ở Hồng Kông, trong khi đó, chiếc áo này chỉ có giá 69.000 won trên nền tảng ở Hàn Quốc.
Trong khi Uniqlo từ chối bình luận về xu hướng "fan hâm mộ bí mật của Nhật Bản", thì người phát ngôn của công ty mẹ Fast Retailing cho biết: "Đương nhiên chúng tôi theo dõi sát sao tình hình ở Hàn Quốc để có thể kiểm soát tác động dài hạn có thể xảy ra."