Như đã đưa tin, chiếc máy bay chở khách của hãng hàng không Lion Air bị báo cáo mất tích trước đó đã rơi xuống biển.
Các nguồn tin cho biết lực lượng cứu hộ Indonesia đã tìm thấy chiếc máy bay gặp nạn, và theo một số tin chưa chính thức của Indonesia thì trong máy bay có 188 hành khách - gồm 178 người lớn, 2 trẻ sơ sinh, một trẻ nhỏ, hai phi công và 6 tiếp viên.
Chưa rõ tình trạng hiện tại của các nạn nhân là ra sao. Tuy nhiên nếu nói chung về khả năng sống sót của các vụ máy bay rơi xuống biển, thì lịch sử đã từng chỉ ra rất nhiều vụ tai nạn mà ở đó, tỉ lệ sống sót lên đến gần như 100%.
Phép màu Hudson - 2009
15/1/2009, chuyến bay US Airways Flight 1549 khởi hành từ sân bay New York đến Bắc Carolina.
Cơ trưởng của chuyến bay là Chesley Sully Sullenberger - một phi công công kỳ cựu với 40 năm kinh nghiệm và 20.000 giờ bay; và cơ phó Jeff Skiles. Theo dự tính, thời gian di chuyển sẽ kéo dài khoảng 2h đồng hồ, nhưng chỉ 20 phút sau khi cất cánh, máy bay đã hạ cánh ngay trên sông Hudson từ độ cao gần 1000m. Toàn bộ 150 hành khách đã sống sót, và câu chuyện vẫn được nhắc lại cho đến tận ngày hôm nay với tên gọi "Phép màu Hudson".
Họ gặp phải một đàn ngỗng trời bay ngược chiều. Một vài con đã bị hút vào động cơ, khiến nó lập tức ngưng hoạt động, ở độ cao 1000m giữa bầu trời.
Sullenberger cố gắng khởi động lại động cơ nhưng bất thành. Ông lúc này có lựa chọn nghe theo hướng dẫn của đài không lưu, nương theo hướng gió để hạ cánh tại Teterboro. Nhưng với kinh nghiệm hơn 40 năm trong nghề, ông biết mình sẽ không kịp, và quyết định đổi hướng hạ cánh ngay tại Hudson.
"Chuẩn bị va chạm" - Sullenberger đã hét lên như vậy vào loa. Chiếc máy bay đâm xuống nước ở vận tốc 240km/h, gây ra âm thanh kinh thiên động địa. Nhưng đó là một cú đáp hoàn hảo, không gây tổn hại gì đáng kể.
Sullenberger - người hùng đã tạo ra "Phép màu Hudson"
Sullenberger sau đó đã ngay lập tức phát tín hiệu di tản dành cho phi hành đoàn và hành khách ra phía cánh máy bay. Mọi người đều không hoảng loạn, dù nhiệt độ nước khi đó chỉ là 2 độ C.
Đội cứu hộ từ đất liền chỉ mất khoảng 4 phút để tiếp cận địa điểm cứu nạn. Toàn bộ hành khách sống sót, còn truyền thông thì nhắc đi nhắc lại: "Chúng ta đã có một phép màu tại Hudson."
Máy bay gãy đôi, 100% hành khách sống sót
Đây cũng là một vụ tai nạn của Lion Air, xảy ra vào ngày 12/4/2013. Chuyến bay Lion Air Flight 904 sau khi cất cánh đã gặp nạn, buộc phải bỏ qua đường băng Ngurah Ra ở Bali (Indonesia) mà hạ cánh thẳng xuống biển rồi vỡ đôi.
Tại hiệ trường, nhân viên cứu hộ tìm thấy chiếc phi cơ đang nổi nửa mình trên mặt biển, thang trượt dập dềnh 2 bên thân, áo phao trôi nổi xung quanh.
Tổng cộng chuyến bay có 101 hành khách, với 5 trẻ em, 1 trẻ sơ sinh và 7 thành viên thuộc phi hành đoàn. Có 46 người bị thương, trong đó 4 người bị thương tích trầm trọng, nhưng may mắn là tất cả đã sống sót một cách thần kỳ.
Và một chuyến bay màu nhiệm khác của Air Niugini
Cuối tháng 9/2018, hãng hàng không Air Niugini của Papa New Guinea cũng xảy ra một vụ tai nạn hết sức đáng sợ. Chuyến bay từ sân bay Đảo Chuuk sau khi cất cánh đã lao thẳng xuống Thái Bình Dương.
Vụ tai nạn sau đó cũng được so sánh với "Phép màu Hudson", vì gần chỉ có 1 nạn nhân duy nhất tử vong. 47 người - bao gồm cả hành khách lẫn phi hành đoàn đều an toàn.
Phép màu của Air Niugini là nhờ phi công, nhưng một phần lớn cũng đến từ công tác cứu hộ trên đất liền. Theo lời Jaynes - một hành khách mô tả lại, cú hạ cánh là hết sức khủng khiếp. Phía bên hông máy bay có một cái hố rất lớn, và nước theo đó tràn vào. Jaynes đã phải lội qua làn nước ngập đến tận hông để đến được cửa thoát hiểm.
Tham khảo: Live Science, Daily Mail, Telegraph