1. Các quyền tự do dân chủ của công dân theo Hiến pháp 2013
Điều 24, 25 Luật Hiến pháp 2013 ghi nhận về quyền tự do của công dân gồm: Quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền tự do hội họp, quyền tự do lập hội. Ngoài ra, còn có các quyền tự do dân chủ khác như: Quyền được bầu cử, quyền ứng cử, quyển khiếu nại, tố cáo…
Quyền tự do ngôn luận: Được hiểu là quyền của con người trong việc tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt thông tin, ý kiến của mình đối với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Quyền tự do báo chí: Quyền của công dân được sáng tạo tác phẩm báo chí, tiếp cận thông tin báo chí, cung cấp thông tin cho báo chí, phản hồi thông tin trên báo chí.
Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo: Được hiểu là quyền tự do theo hoặc không theo một tôn giáo nào nhất định. Quyền tự do hội họp: Được hiểu là quyền tự do họp nhóm để trao đổi ý kiến về các lĩnh vực và vấn đề nhất định. Quyền tự do lập hội: Tự do tổ chức ra các hội nhất định nhằm phục vụ sự tiến bộ và phát triển của xã hội.
Trong đó, cũng như các quyền khác của công dân, việc thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí phải trong khuôn khổ pháp luật quy định.
Khi thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, công dân phải tuân thủ các quy định của pháp luật nhằm bảo vệ chế độ xã hội, bảo vệ nhà nước và không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người khác.
Điều 9 Luật Báo chí quy định các nhóm hành vi bị nghiêm cấm nếu đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; quy kết tội danh khi chưa có bản án của Tòa án.
Ngoài ra, luật cũng nghiêm cấm hành vi in, phát hành, truyền dẫn, phát sóng sản phẩm báo chí, tác phẩm báo chí, nội dung thông tin trong tác phẩm báo chí đã bị đình chỉ phát hành, thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, gỡ bỏ, tiêu hủy hoặc nội dung thông tin mà cơ quan báo chí đã có cải chính...
Hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội... để xâm phạm đến các lợi ích (về kinh tế, chính trị…) của Nhà nước, các quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân được coi là hành vi vi phạm pháp luật.
2. Mức phạt Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ
Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015 quy định cụ thể về mức phạt với Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Cụ thể, khung 01 sẽ phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm trong trường hợp lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Khung 02 sẽ phạt tù từ 02 năm đến 07 năm nếu phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Như vậy, bất cứ hành vi nào có dấu hiệu lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân... đều phải chịu hình phạt nghiêm khắc của pháp luật.
Mức phạt tù cao nhất với hành vi phạm tội này có thể lên đến 07 năm tù.