Các cửa hàng mì vang lên tiếng đũa và tiếng nhấm nháp nước dùng của khách. Các trường học mở cửa. Các địa điểm du lịch ven biển đông đúc khách du lịch trở lại. Tuy nhiên, sau hơn 100 ngày không có trường hợp lây nhiễm Covid-19 nào trong cộng đồng, Việt Nam tuyên bố trạng thái dịch bệnh trở lại vào cuối tuần qua.
Khởi phát từ thành phố du lịch Đà Nẵng, hiện nay Việt Nam đã có tổng cộng 459 ca nhiễm Covid-19. Riêng sáng ngày hôm nay (30/7), Việt Nam ghi nhận thêm 9 ca nhiễm mới. Mặc dù số ca tử vong vẫn ở mức 0 nhưng ca lây nhiễm mới không rõ nguồn gốc khiến cho chính quyền và người dân hết sức lo lắng về một làn sóng virus thứ 2.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Trưởng Khoa Y tế công cộng và Điều dưỡng Trường Đại học Quang Trung (Bình Định) chia sẻ: "Theo tôi, làn sóng này nguy hiểm hơn so với làn sóng trước đó bởi nó bùng phát cùng một lúc tại nhiều địa điểm. Chúng tôi không biết nguồn gốc lây nhiễm là từ đâu, đặc biệt là khi Đà Nẵng vừa tiếp đón hàng chục ngàn khách du lịch (trong vài tháng qua)."
Các quốc gia khác như Nhật Bản, Trung Quốc, Úc và Hàn Quốc cũng chứng kiến một kịch bản tương tự: Dịch bệnh tưởng chừng như đã được kiểm soát nhưng số ca lây nhiễm bỗng tăng đột biến vào ngày hôm qua (29/7). Tại Úc, ban chức trách đã công bố thêm 295 ca mắc mới vào thứ Tư cùng 9 trường hợp tử vong.
Trong khi đó, Hong Kong cũng đang đối mặt với một làn sóng lây nhiễm virus mới, với khoảng 100 ca dương tính với virus mỗi ngày. Trưởng đặc khu hành chính bà Carrie Lam cảnh báo hôm thứ Ba rằng Hong Kong đang có nguy cơ bùng phát dịch trên quy mô toàn cộng đồng.
Theo tờ The New York Times, Việt Nam đang phản ứng với làn sóng virus mới giống như cách mà họ đã làm trong quá khứ: nhanh và mạnh mẽ.
Chỉ vài giờ sau khi các trường hợp nhiễm mới được phát hiện tại Đà Nẵng vào đầu tuần này, chính quyền đã đóng cửa sân bay và sơ tán hơn 80.000 du khách ra khỏi thành phố biển này. Đồng thời, nhiều tỉnh/thành phố trên khắp cả nước đã tiến hành kiểm dịch đối với toàn bộ người dân đã từng đến Đà Nẵng. Bộ Y tế cho biết, chủng virus được phát hiện ở Đà Nẵng khác với loại virus trước đó.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhận định rằng đây là virus ngoại nhập trong bối cảnh cảnh sát Việt Nam liên tiếp bắt được nhiều đối tượng có quốc tịch Trung Quốc nhập cư trái phép vào Việt Nam. Theo ông Nga, không thể xảy ra trường hợp virus tồn tại trong cộng đồng 3 tháng mà không gây ra dịch bệnh.
Tại Đà Nẵng, bà Nguyễn Thị Minh Hoa, giám đốc một công ty marketing cho biết không hề xảy ra tình trạng người dân tích trữ đồ ăn, các kệ hàng hóa vẫn còn nguyên, có nghĩa là cư dân lo lắng nhưng không hoảng loạn. "Mọi người tuân thủ chặt chẽ các biện pháp giãn cách xã hội", bà Hoa nói. "Tôi chỉ buồn vì thành phố ven biển này bỗng chốc trở thành trung tâm bùng phát dịch bệnh sau 100 ngày yên bình."