Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng Singapore (PMO), bà Indranee Rajah mới đây nhận định, ASEAN+3 (ASEAN và ba quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc) nên tập trung vào việc tăng cường kết nối và đầu tư vào cơ sở hạ tầng, từ đó tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Phát biểu tại Hội thảo về Triển vọng kinh tế Khu vực ASEAN+3, bà Indranee nhấn mạnh rằng xuất khẩu của 13 quốc gia ASEAN+3 hiện chiếm khoảng một nửa giá trị chuỗi cung ứng toàn cầu.
Điển hình, tỷ lệ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của Singapore là 60% vào năm 2019, mức cao nhất trong bảng xếp hạng mà Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 tổng hợp. "Con số này phản ánh sự liên kết giữa các quốc gia trong khu vực và thương mại quốc tế. Đây cũng là thước đo về sự thay đổi trong dòng chảy thương mại ảnh hưởng đến nền kinh tế khu vực".
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia đã thảo luận về sự gián đoạn đối với chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra, cũng như việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số sẽ ảnh hưởng đến các mô hình thương mại trong khu vực ASEAN+3.
Thực tế, việc cấu trúc lại chuỗi cung ứng mang lại cơ hội đáng kể cho các quốc gia ASEAN+3. Cụ thể, 2 cách mà các nước trong khu vực có thể tận dụng bao gồm:
Thứ nhất, tăng cường kết nối thông qua các hiệp định thương mại như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và thông qua các sáng kiến nhằm tăng cường hội nhập kinh tế ASEAN.
Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng Singapore kỳ vọng, RCEP - hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, sẽ sớm được phê chuẩn và có hiệu lực. RCEP được ký kết vào giữa tháng 11 năm ngoái, bởi 10 quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand.
Bên cạnh đó, ASEAN cần nỗ lực để đưa nhiều đối tác hơn vào Cơ chế một cửa ASEAN - nền tảng kỹ thuật số cho phép trao đổi các tài liệu liên quan đến thương mại và đơn giản hóa thủ tục hải quan.
Thứ hai, tận dụng cơ hội là nhóm khu vực để tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng. "Chúng ta cần đảm bảo chất lượng cơ sở hạ tầng, điển hình như cảng và đường sá để đảm bảo đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, cũng như đảm bảo chuỗi cung ứng xanh và bền vững".
Điển hình như tháng 11 năm ngoái, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 37, Việt Nam và Singapore đã khởi động Mạng lưới Logistics thông minh ASEAN với dự án đầu tiên "Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc (SuperPort)".
Hay như Tổ hợp Logistics Phnom Penh ở Campuchia, một sáng kiến thuộc Mạng lưới Logistics thông minh ASEAN sử dụng công nghệ hậu cần để cải thiện các quy trình và khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng.
Một ví dụ khác là Công viên Kỹ thuật số Nongsa ở Batam, được thành lập nhằm giúp các công ty công nghệ và tài năng kỹ thuật số từ Indonesia, Singapore và các khu vực khác của Đông Nam Á khai thác các cơ hội mới trong nền kinh tế số.