The Telegraph: Thung lũng Silicon nên lo ngại về hậu quả của lệnh cấm TikTok từ Donald Trump

10/08/2020 19:28
Việc đóng cửa các ứng dụng di động của Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Trump có thể khiến các quốc gia khác làm điều tương tự với các công ty công nghệ của Mỹ.

Thoạt đầu, có vẻ như hiếm có công ty nào được hưởng lợi nhiều hơn Facebook từ thái độ ngày càng thù địch của Tổng thống Trump đối với các công ty công nghệ Trung Quốc.

Tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump hứa sẽ sớm cấm TikTok hoạt động tại Mỹ nếu ứng dụng này còn tiếp tục được sở hữu bởi Tập đoàn ByteDance của Trung Quốc. Ứng dụng video này rất có thể là trở ngại lớn nhất đối với đế chế bá chủ mạng xã hội của Facebook. Nếu TikTok vắng mặt tại thị trường Mỹ, nhiều khả năng khoảng trống này sẽ sớm được Instagram, một công ty con của Facebook, lấp đầy, khi công ty này vừa ra mắt một tính năng mới gần giống TikTok vào tuần trước.

Mark Zuckerberg, CEO của Facebook, cũng đã đóng góp mạnh tay trong công cuộc khơi dậy làn sóng chống TikTok. Trong một bài phát biểu về kiểm duyệt Internet vào năm ngoái, anh đã nêu tên TikTok như một ví dụ về cách tiếp cận của Trung Quốc đối với Internet "tập trung vào những giá trị rất khác biệt" so với phương Tây. 

Lời cảnh báo của Zuckerberg được viết ra với ý định ngăn cản các nhà lập pháp đe dọa làm suy yếu Facebook nhiều hơn là khuyến khích họ cấm TikTok hoạt động. Thế nhưng, hoàn toàn có khả năng rằng hoạt động vận động chính sách mạnh mẽ của mạng xã hội này đã đóng một vai trò nhất định trong tuyên bố gần đây của Nhà Trắng nhằm đóng cửa TikTok và WeChat tại Mỹ, hai ứng dụng di động đình đám của các công ty Trung Quốc.

Tuần trước, Tổng thống Trump đã ký một sắc lệnh cấm các công ty Mỹ giao dịch kinh doanh với ByteDance, công ty mẹ của TikTok, trong vòng 45 ngày. Nếu được thực hiện, sắc lệnh này sẽ chấm dứt các hoạt động kinh doanh từ các nhà quảng cáo tại Mỹ, và quan trọng hơn cả là bắt Apple và Google phải gỡ ứng dụng này khỏi App Store và Google Play. Nếu có hiệu lực, sắc lệnh cũng sẽ cấm ứng dụng này hoạt động, trừ khi Microsoft thương thảo mua lại TikTok thành công.

WeChat, đối tượng của một lệnh cấm tương tự từ Chính phủ Mỹ, thậm chí còn không có giải pháp nào để tránh bị cấm. Tencent, công ty mẹ tại Trung Quốc của WeChat, dường như không có lựa chọn bán lại ứng dụng này. Hiện WeChat đang được sử dụng rộng rãi bởi cộng đồng người Trung Quốc tại Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới.

Hai lệnh cấm của Trump dường như được viết ra khá vội vàng với phần phạm vi áp dụng gây ra nhiều khó hiểu. Nếu được diễn giải một cách chặt chẽ, hai sắc lệnh này có thể mang lại nhiều hậu quả sâu rộng. Microsoft hiện chỉ đang đàm phán mua lại hoạt động kinh doanh của TikTok tại Mỹ, Canada, New Zealand và Úc, nhưng lệnh cấm của Tổng thống Trump có thể khiến Apple và Google gỡ bỏ các ứng dụng này khỏi kho ứng dụng tải xuống điện thoại tại nhiều nơi khác trên thế giới, bao gồm cả Anh quốc và châu Âu.

Lệnh cấm có thể ảnh hưởng đến các mảng kinh doanh khác của Tencent tại thị trường Mỹ khi công ty này sở hữu một loạt trò chơi điện tử trên di động phổ biến tại đây. Mặt khác, các công ty Mỹ cũng có thể phải dừng giao dịch với WeChat tại Trung Quốc, nơi mà ứng dụng này đồng thời là một cổng mua sắm khổng lồ. Hậu quả nặng nề nhất có thể là Apple buộc phải gỡ bỏ WeChat khỏi Kho ứng dụng App Store tại Trung Quốc. Điều này có thể làm tê liệt doanh số bán hàng của Apple khi WeChat đang có vai trò thống lĩnh tại thị trường khổng lồ này.

Viễn cảnh này đã khiến giá cổ phiếu của Apple sụt giảm ngay sau lệnh cấm của Tổng thống Trump. Đây có thể không phải là ý định của Trump, nên vẫn chưa rõ những sắc lệnh này sẽ được áp dụng như thế nào. Nhưng kể cả khi áp dụng trong phạm vi hẹp, tức là chỉ đơn thuần cấm TikTok và WeChat hoạt động tại Mỹ, thì động thái này cũng khiến Thung lũng Silicon phải cảm thấy lo ngại.

Các ông lớn công nghệ của Mỹ vẫn đang hưởng lợi rất lớn từ việc toàn cầu hóa trong vòng 2 thập kỷ qua. Bên ngoài Trung Quốc, họ đang giữ vị trí thống lĩnh tại hầu hết các quốc gia và các ngôn ngữ, và đang thu lợi lớn từ quan điểm Internet là không biên giới. Nhưng trong lòng Trung Quốc, chúng ta đã thấy điều gì xảy ra khi ý tưởng Internet toàn cầu bị chối bỏ. Facebook, Google và Amazon hầu như không có hiện diện, còn Apple phải đưa ra những thỏa hiệp ngày một khó chịu để có thể kinh doanh tại đó.

Vì vậy, điều mà Thung lũng Silicon luôn luôn lo ngại chính là mô hình bảo hộ và kiểm duyệt của Trung Quốc được nhân rộng trên thế giới. Những công ty hàng đầu đã sống chết để hoạt động tại Ấn Độ - điều này cho thấy một xu thế độc tài về Internet trong nhiều tháng qua. Nhưng ít nhất, họ còn có thể nói về mô hình của Mỹ như một hình mẫu, nơi mà nền công nghiệp Internet hầu khắp không bị hạn chế. Thì giờ, những động thái của Tổng thống Trump chống lại TikTok và WeChat có nghĩa Mỹ không còn giữ được hình mẫu đó nữa. Chính phủ ở mọi nơi giờ đã có thể cảm thấy có lý do để nghiêm khắc hơn với các ông lớn công nghệ.

The Telegraph: Thung lũng Silicon nên lo ngại về hậu quả của lệnh cấm TikTok từ Donald Trump - Ảnh 1.

Số liệu về tình hình sử dụng ứng dụng TikTok của trẻ em (Nguồn: Telegraph)

Tuần trước, người sử dụng Douyin, phiên bản Trung Quốc của TikTok, đã trêu đùa với nhau rằng Apple nên bị yêu cầu phải bán lại hoạt động của họ cho một công ty nội địa. Điều này khó xảy ra, nhưng những quốc gia sẽ cảm thấy hợp lý hơn khi siết chặt các quy định khác: đánh "thuế công nghệ", đưa ra các luật kiểm duyệt ngặt nghèo hơn, hoặc các quy định nghiêm khắc hơn. Các quy định như vậy rõ ràng không được Thung lũng Silicon hoan nghênh, và điều đó lý giải vì sao Zuckerberg lại nói với nhân viên của mình vào tuần trước rằng việc cấm đoán TikTok sẽ đặt ra "một tiền lệ vô cùng xấu về lâu dài", bất kể Facebook rõ ràng đang là kẻ chiến thắng.

Nếu các công ty công nghệ của Mỹ đang lo lắng về những hành động của chính phủ Mỹ như vậy, thì họ cũng nên cảm thấy phiền lòng về hành vi của Microsoft khi tán thành những hành động của chính phủ. Tuần trước, tuyên bố của công ty này xác nhận mối quan tâm của mình với thương vụ TikTok có một số tuyên bố khác thường, bao gồm việc họ "hoàn toàn đánh giá cao tầm quan trọng của việc giải quyết các mối quan tâm của Tổng thống", rằng một thương vụ sẽ mang lại lợi ích cho Kho bạc Hoa Kỳ, và rằng họ "trân trọng sự tham gia của Chính phủ Mỹ và cá nhân Tổng thống Trump".

Một nhà bình luận đã ví von tuyên bố này giống "một thứ mà một công ty Trung Quốc sẽ viết dưới một Chính phủ Trung Quốc". Tuyên bố này có thể mang lại cho Microsoft một sự ưu ái từ phía Nhà Trắng, nhưng sẽ không khiến các ông lớn công nghệ cùng ngành cảm thấy tin tưởng Microsoft hơn chút nào. Nếu chủ nghĩa bảo hộ công nghệ kiểu Trung Quốc "cập bến" tại nước Mỹ, các công ty sẽ hầu như không được hưởng chút lợi ích nào về lâu dài nếu ủng hộ chính sách này.

Tin mới

Món ăn Hà Nội khiến khách Tây mê mẩn húp sạch đến tận đáy bát, nhưng người Việt lại chẳng làm thế bao giờ
3 giờ trước
Cách mà du khách nước ngoài này thưởng thức món ăn đặc trưng của Thủ đô khiến nhiều người cảm thấy vô cùng thú vị.
Page có tick xanh giả mạo Phú Quý lừa người mua bạc thỏi tại VN
2 giờ trước
Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Phú Quý mới đây đã phát đi cảnh báo về thủ đoạn mạo danh, yêu cầu khách hàng chuyển tiền vào một tài khoản mang tên công ty nào đó, nhằm chiếm đoạt tiền của Khách hàng.
VinFast công bố bán 12.000 xe tháng 3, 'vua doanh số' không phải VF 3
2 giờ trước
Theo VinFast, những sản phẩm như VF 5, VF 6 và 7 đều đang có doanh số tốt.
Sếp Apple mừng ra mặt khi được bán iPhone 16 tại quốc gia Đông Nam Á này
8 phút trước
Mặc dù ra mắt từ tháng 9 năm ngoái, nhưng tới ngày hôm nay, iPhone 16 mới được chính thức bán ra tại quốc gia này.
Livestream Commerce: Giải pháp tăng trưởng doanh nghiệp Việt trong thời đại số
13 phút trước
Theo NielsenIQ, thương mại điện tử Việt Nam dự kiến đạt quy mô 45 tỷ USD trong 2025, chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ toàn quốc. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này đi kèm với áp lực lớn: doanh nghiệp vừa phải tối ưu chi phí, vừa cần xây dựng thương hiệu và thúc đẩy doanh số trong thị trường cạnh tranh. Vậy đâu là lời giải?

Tin cùng chuyên mục

'Cháy khét' vé máy bay dịp 30/4-1/5
4 giờ trước
Giá vé máy bay dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 cao ngang dịp Tết Nguyên đán vừa qua và hiện vé nhiều chặng bay như Hà Nội - Đồng Hới, TPHCM - Tuy Hòa đã "cháy khét' với tỷ lệ đặt chỗ đạt 100%.
Chật vật tìm khách, MPV kín tiếng nhất Việt Nam Haima 7X giảm giá tới gần 200 triệu đồng
20 giờ trước
Haima 7X được đại lý đẩy mạnh ưu đãi, giải phóng hàng tồn trong tháng 4/2025.
Giá iPhone đồng loạt giảm sâu: iPhone 11 chỉ còn từ 8,5 triệu, có mẫu giảm gần 14 triệu đồng
21 giờ trước
Từ những model đời cũ như iPhone 11 đến các dòng mới ra mắt như iPhone 16 series đều đồng loạt lao dốc, có mẫu giảm gần 14 triệu đồng.
Vé bay dịp 30-4 đắt ngang Tết, Cục Hàng không tăng cường giám sát
22 giờ trước
Giá vé hạng phổ thông chặng Hà Nội - TP HCM ngày 29-4 hiện được các hãng hàng không niêm yết ở mức dao động từ 3,4 đến 3,74 triệu đồng