Tờ Bloomberg đưa tin công ty xây dựng Katerra vừa nộp đơn xin phá sản lên tòa ăn Mỹ. Đây là thông tin đáng buồn với 1 startup từng huy động được 2 tỷ USD từ các nhà đầu tư bao gồm cả Softbank của Masayoshi Son.
Công ty này đã nộp đơn xin phá sản theo Chương 11 ở Tòa án quận Texas. Họ dự kiến nợ phải trả vào khoảng 1 – 10 tỷ USD trong khi đó tài sản ở mức 500 – 1 tỷ USD.
Katerra là công ty được thành lập năm 2015 với tham vọng thay đổi hoàn toàn ngành công nghiệp xây dựng. Đây cũng là trường hợp gây nhiều tranh cãi khi Softbank rót tiền vào. Chủ yếu tiền rót vào Katerra đến từ Softbank và một số nhà đầu tư khác giúp công ty phát triển nhanh chóng, một phần nhờ đi thâu tóm những công ty nhỏ hơn. Tuy nhiên, việc tích hợp các doanh nghiệp đó cho thấy sự khó khăn và công ty buộc phải giải quyết các vụ xây dựng chậm trễ và những vấn đề trong việc cố gắng hoàn thiện các mô đun xây dựng của mình.
Tháng 5, Masayoshi Son đã đề cập tới Katerra và thừa nhận đây là 1 trong những khoản đầu tư sai lầm của mình bên cạnh WeWork và Greensill. Tuy nhiên, ông khẳng định rằng sự thành công của Softbank không phải được tạo ra bởi những sai lầm như vậy.
"Kế hoạch hành động nhiều bước của chúng tôi đã phát triển nhanh chóng, bao gồm cả việc củng cố các hoạt động ở Mỹ, tiếp tục hoạt động các doanh nghiệp quốc tế, thúc đẩy bán các tài sản quan trọng, đảm bảo các vấn đề liên quan tới bên nợ còn quyền sở hữu (DEBTOR IN POSSESSION) và bắt đầu quá trình tái cấu trúc tại tòa án", CTO Marc Liebman của Katerra nói.
Katerra xếp ngang hàng với WeWork như một trong những khoản đầu tư thảm họa trong danh mục của Softbank.
Katerra từng cam kết sẽ thay đổi lại toàn ngành xây dựng với những nhà máy hiệu quả, những ngôi nhà làm sẵn và các bộ phận mô đun xây dựng. Công ty nói họ hoạt động ở nhiều nước gồm cả Mỹ, Ấn Độ và Ả rập Saudi. Hồi tháng 2 năm ngoái, công ty tiết lộ có 8000 nhân viên trên toàn cầu.
Năm 2019, Katerra cho biết sẽ cắt giảm 200 việc làm dù trước đó huy động được 865 triệu USD từ các nhà đầu tư. Công ty cũng đóng nhà máy ở Phoenix để tập trung vào những nhà máy tự động hóa cao ở California.
Nguồn: Bloomberg