Bộ Công Thương đã đề xuất 2 phương án giá bán lẻ điện cho khách hàng không dùng điện cho mục đích sinh hoạt để lấy ý kiến của các bộ ngành, địa phương và các khách hàng sử dụng điện.
Liên quan đến việc điều chỉnh biểu giá điện bán lẻ, thông tin từ Bộ Công Thương cho hay, một số khách hàng sử dụng điện và một số tổ chức quốc tế đã có ý kiến đề nghị Bộ Công Thương xem xét lại mức chênh lệch giá điện cho khách hàng sản xuất kinh doanh với các nhóm khách hàng sử dụng điện khác ngoài mục đích sinh hoạt khác.
Theo Bộ Công Thương, nhóm khách hàng kinh doanh đang phải trả tiền điện với mức giá cao |
Trên cơ sở xem xét đánh giá tình hình thực tế, trong lần cải tiến cơ cấu biểu giá điện lần này, Bộ Công Thương đã đề xuất 2 phương án giá bán lẻ điện cho khách hàng không dùng điện cho mục đích sinh hoạt để lấy ý kiến của các bộ ngành, địa phương và các khách hàng sử dụng điện.
Cụ thể, theo phương án 1: Khách hàng sử dụng điện ngoài sinh hoạt bao gồm 3 nhóm riêng: sản xuất, hành chính sự nghiệp và kinh doanh sẽ áp biểu giá điện như hiện hành. Riêng đối với các cơ sở lưu trú du lịch, các doanh nghiệp dịch vụ logistic sẽ áp dụng giá điện sản xuất. Với phương án 2: Sẽ gộp các nhóm khách hàng sử dụng điện cho mục đích sản xuất, hành chính sự nghiệp và kinh doanh thành 01 nhóm khách hàng sử dụng điện mục đích ngoài sinh hoạt.
Theo Bộ Công Thương, nhóm khách hàng kinh đang phải trả tiền điện với mức giá cao, tuy nhiên chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ khoảng 6,6% trong tổng sản lượng điện thương phẩm toàn quốc, trong khi nhóm khách hàng sản xuất chiếm tỷ trọng tiêu thụ điện lớn hơn nhiều (trên 59%). Khi gộp nhóm khách hàng kinh doanh với sản xuất sẽ làm tăng giá bán điện của nhóm khách hàng sản xuất. Ước tính khi áp dụng phương án 2 nêu trên, chi phí mua điện của nhóm khách hàng kinh doanh giảm 35%, trong khi chi phí mua điện của nhóm khách hàng sản xuất tăng xấp xỉ 5% so với giá hiện hành.
“Ưu điểm của phương án 2 là không còn chênh lệch giữa giá điện sản xuất, giá điện cho kinh doanh và hành chính sự nghiệp. Biểu giá điện mới cũng sẽ tạo động lực để các doanh nghiệp đổi mới dây chuyền sản xuất theo hướng tiết kiệm và sử dụng điện hiệu quả. Đối với các doanh nghiệp trong ngành kinh doanh dịch vụ sẽ được hưởng mức giá điện thấp hơn nên sẽ giảm được giá thành, tương tự như biểu giá điện của một số nước trong khu vực và trên thế giới”, Bộ Công Thương cho hay.
Tuy nhiên, phương án 2 cũng có nhược điểm là trong ngắn hạn có thể làm tăng chi phí sản xuất, giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp ngành sản xuất. Vì vậy trên cơ sở ý kiến ý kiến của các bộ ngành, địa phương và các khách hàng sử dụng điện, Bộ Công Thương sẽ tổng hợp đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá điện cho các khách hàng sản xuất sau đó lựa chọn phương án phù hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
(Theo Tiền Phong)