Kienlongbank vừa tất toàn xong toàn bộ trái phiếu đã bán cho VAMC, trở thành thành viên thứ 8 trong hệ thống các ngân hàng không còn nợ xấu tại VAMC, sau Vietcombank, VIB, Techcombank, TPBank, MB, OCB, NamABank.
Không chỉ những ngân hàng trên, tất toán toàn bộ trái phiếu của VAMC cũng đang là mục tiêu của nhiều ngân hàng khác. Danh sách trên hứa hẹn sẽ tiếp tục có thêm những thành viên khác trong thời gian ngắn sắp tới.
Cập nhật gần nhất tại BCTC cuối tháng 6/2019, số trái phiếu đặc biệt VAMC của Agribank chỉ còn 1.013 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 7.750 tỷ đồng hồi đầu năm. Trong đó, ngân hàng đã trích lập dự phòng hơn 1.012 tỷ đồng – gần như toàn bộ giá trị trái phiếu VAMC.
Trước đó, hồi đầu năm, Chính phủ đã giao nhiều nhiệm vụ quan trọng cho Agribank trong năm 2019, trong đó có yêu cầu ngân hàng làm sạch nợ tại VAMC. Và ngân hàng đang có nhiều thuận lợi để thực hiện hóa điều đó. 10 tháng đầu năm, lợi nhuận của Agribank đạt trên 10.350 tỷ đồng, về đích sớm so với kế hoạch năm. Nếu ngân hàng không tiếp tục đẩy thêm nợ xấu sang VAMC thì mục tiêu trên hoàn toàn nằm trong tầm tay.
Tương tự Agribank, hồi đầu năm, BIDV cũng cho biết mục tiêu sẽ mua lại toàn bộ trái phiếu VAMC trong năm 2019. Lãnh đạo BIDV ước tính cả năm, BIDV sẽ xử lý khoảng 4.500 tỷ đồng nợ xấu tại VAMC, trong đó thu nợ 2.500 tỷ và trích dự phòng 2.000 tỷ đồng.
Theo báo cáo của BIDV đến cuối tháng 6/2019, trái phiếu đặc biệt của VAMC tại ngân hàng giảm hơn 14.100 tỷ xuống 12.854 tỷ đồng, trong đó đã trích lập 7.879 tỷ, tức chỉ còn phải xử lý tiếp 4.975 tỷ đồng.
Còn tại VPBank, trong báo cáo cập nhật quý 3 gửi nhà đầu tư, ngân hàng cho biết tình hình xử lý dư nợ trái phiếu VAMC vẫn nằm trong kế hoạch. Tỷ lệ nợ xấu bao gồm VAMC của ngân hàng riêng lẻ giảm mạnh từ 4,01% cuối năm 2018 xuống còn 2,84% cuối tháng 9/2018.
Cuối tháng 9, VPBank chỉ còn 908 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt, giảm mạnh 71% so với hồi đầu năm. Trong đó, ngân hàng đã trích lập dự phòng 402 tỷ. Như vậy, ngân hàng chỉ còn phải xử lý tiếp 506 tỷ đồng.