Để hiểu rõ liệu xu hướng này sẽ diễn ra mạnh hơn trong thời gian tới như thế nào, phóng viên đã trao đổi với TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia.
Ông có nghĩ rằng, M&A là giải pháp phù hợp để các ngân hàng tăng năng lực tài chính trong giai đoạn tới?
Thực ra, không phải bây giờ câu chuyện M&A mới được nhắc tới, mà mấy năm trước vấn đề này cũng đã được đề cập tới và cũng đã có khá nhiều thương vụ hợp nhất thành công. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân cũng có một số trường hợp vẫn chưa thể về chung một nhà…
Thời gian gần đây vấn đề M&A ngân hàng lại được nhắc tới nhiều hơn khi thị trường có thêm những chất xúc tác mới. Thứ nhất là, nhu cầu tăng vốn của các ngân hàng để đáp ứng chuẩn Basel 2. Thứ hai là tiến trình tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu, nhất là đối với các ngân hàng yếu kém; trong đó có việc khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các định chế tài chính nước ngoài nói riêng mua lại, sáp nhập NHTMCP yếu kém của Việt Nam. Thứ ba là, Chính phủ cũng đã xắn tay vào việc này, tăng cường kết nối, xúc tiến làm việc với các tổ chức tài chính quốc tế; qua đó các NĐT cũng thấy rằng quyết tâm hỗ trợ của Chính phủ đối với họ và khi Chính phủ vào cuộc, lòng tin của các NĐT đối với các ngân hàng sẽ cao hơn.
Điều này thể hiện rõ là thời gian gần đây các NĐT đến từ các nước trong khu vực liên tục đến Việt Nam tìm cơ hội đầu tư và ngỏ ý tham gia tái cơ cấu các ngân hàng Việt. Tất nhiên lý do quan trọng khiến các NĐT đến tìm hiểu là sức khỏe tài chính, hoạt động kinh doanh của nhiều ngân hàng ngày càng tốt.
Vậy hoạt động M&A giữa các ngân hàng sẽ sôi động hơn, thưa ông?
Theo tôi, còn tùy khẩu vị rủi ro của các NĐT, bởi bối cảnh kinh tế thế giới năm nay sáng hay tối còn chưa rõ ràng. Mặc dù cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có nhiều tín hiệu tích cực hơn; nhưng tăng trưởng kinh tế thế giới lại có vẻ ảm đạm hơn. Ngoài ra, khung pháp lý để các NĐT tham gia sâu hơn vào hoạt động ngân hàng vẫn chưa thực sự rõ ràng.
Ở phía ngân hàng sẽ phải cân nhắc nhiều phương án để thực hiện tăng vốn. Cho dù M&A thành công giúp các ngân hàng tăng vốn như kỳ vọng, nhưng M&A chưa bao giờ là câu chuyện dễ dàng đối với các ngân hàng. Thời gian và công sức để đạt được thỏa thuận này tương đối lớn. Vì vậy, các ngân hàng cũng như các NĐT phải xem xét, đắn đo hơn trong năm nay.
Tôi nghĩ rằng, khi kinh tế quốc tế được cải thiện hơn cùng với động thái tích cực về cơ chế chính sách của Chính phủ và những đòi hỏi đặt ra đối với hệ thống ngân hàng ngày càng cao, xu hướng M&A được đẩy mạnh hơn, trong đó có sự tham gia tích cực của NĐT nước ngoài.
Vấn đề giá luôn là khúc mắc khiến cho thương vụ M&A không thành công. Theo ông, mức giá được tính toán trên cơ sở nào đảm bảo hai bên cùng thắng?
Có nhiều cách tính giá cho thương vụ M&A như dựa vào giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, tính dòng tiền chiết khấu, xu hướng tương lai và nhiều giá trị vô hình khác. Tất nhiên, giá ở mức nào phù hợp là do thỏa thuận của hai bên mua và bán. Nhưng mà tôi cho rằng thời điểm này quan trọng nhất nhìn vào triển vọng phát triển tương lai của ngân hàng. Ngoài ra một số yếu tố cộng hưởng khác tạo thêm chất xúc tác cho hoạt động này cũng rất cần thiết như triển vọng kinh tế nói chung, vĩ mô, sự minh bạch trong hoạt động ngân hàng, room NĐT nước ngoài sẽ được quyết ở mức nào…
Do sự nhạy cảm của lĩnh vực tài chính ngân hàng, việc nới room cho NĐT nước ngoài sẽ phải thận trọng hơn trên cơ sở đánh giá tổng thể vai trò cổ đông chiến lược trong và ngoài nước. Trước xu hướng phát triển và hội nhập kinh tế sâu rộng hơn, theo tôi, cách nhìn đối với room NĐT nước ngoài có thể linh hoạt hơn một chút.
Xin cảm ơn ông!