Gặp gỡ phóng viên Báo Người Lao Động những ngày cuối năm âm lịch, ông Tôn Thất Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Cá sấu Hoa Cà (TP HCM), hồ hởi khoe thông tin Trung Quốc sắp mở cửa cho mặt hàng cá sấu nuôi của Việt Nam. "Giá cá sấu tại Trung Quốc gấp 3 lần Việt Nam và nhu cầu tiêu thụ rất lớn. Nếu được xuất khẩu chính ngạch, người nuôi sẽ yên tâm gầy lại đàn và phát triển kinh tế. Đặc biệt, TP HCM và khu vực các tỉnh phía Nam rất thích hợp với nghề nuôi cá sấu " - ông Hưng nói.
Nắng hạn gặp mưa rào
Ông Tôn Thất Hưng là người gắn bó mấy chục năm với nghề nuôi cá sấu . Ông cho biết trước đại dịch, cá sấu chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc, chiếm đến 80%-90% thị phần. Do đó, khi thị trường Trung Quốc ngưng nhập, giá cá sấu lao dốc từ 200.000 đồng/kg xuống chỉ còn 40.000 - 50.000 đồng/kg, người nuôi thua lỗ phải bỏ nghề. "Nghề nuôi cá sấu phù hợp với các nông hộ vì vốn đầu tư không quá lớn, tận dụng được thức ăn thừa. Những hộ này có thể làm vệ tinh cho các trang trại nuôi cá sấu để xuất khẩu. Trung Quốc có nhu cầu lớn về cá sấu nhưng điều kiện tự nhiên không nuôi được - là cơ hội rất lớn cho cá sấu nuôi của Việt Nam" - ông Hưng bày tỏ.
Trước đó, vào giữa tháng 1, nhận lời mời của Bộ Nông nghiệp Nông thôn Trung Quốc, đoàn công tác do ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) dẫn đầu đã sang làm việc tại Bắc Kinh và Quảng Châu (Trung Quốc). Thông tin với báo chí về kết quả chuyến công tác, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết hai nước sắp ký 3 nghị định thư về xuất khẩu thủy sản khai thác tự nhiên; về xuất khẩu cá sấu nuôi và nghị định thư về xuất khẩu khỉ nuôi.
Đại diện Chi cục Kiểm lâm TP HCM thông tin thành phố hiện có 1 trại nuôi khỉ đuôi dài thương mại và 4 trại nuôi cá sấu đạt chuẩn xuất khẩu. Thời gian gần đây, đầu ra cho những vật nuôi này gặp khó khăn nên tổng đàn giảm. Do đó, việc thị trường chính được khơi thông là tin vui đối với các chủ trại nuôi.
Theo Bộ NN-PTNT, trong khi chờ đợi ký nghị định thư, phía Trung Quốc sẽ xem xét, tạo cơ chế đặc biệt để các cơ sở đăng ký xuất khẩu tôm hùm bông sang thị trường này. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đồng ý xem xét bỏ lệnh cấm nhập khẩu gia cầm từ Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm hùm bông sang Trung Quốc năm 2022 đạt hơn 50 triệu USD nhưng năm 2023 chỉ còn gần 4 triệu USD do Trung Quốc xếp mặt hàng này vào nhóm động vật hoang dã cần được bảo tồn nên giao thương bị gián đoạn. Do đó, việc tôm hùm bông của Việt Nam được trở lại thị trường này theo cơ chế đặc biệt là mong mỏi của người nuôi tôm ở các tỉnh ven biển miền Trung.
Rau quả kỳ vọng có thêm tỉ USD
Đối với trái cây, Trung Quốc cũng sắp mở cửa cho các mặt hàng sầu riêng đông lạnh, dừa tươi, bơ và chanh leo của Việt Nam.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong 4 mặt hàng rau quả sắp được mở cửa, sầu riêng đông lạnh và dừa tươi có thể mang về kim ngạch tỉ USD trong năm 2024. Đó chính là cơ sở để ngành rau qua đặt mục tiêu xuất khẩu 6,5 tỉ USD năm nay từ mức 5,6 tỉ USD trong năm trước. Nguyên nhân là do mặt hàng sầu riêng đông lạnh có giá trị cao và nhu cầu về sầu riêng của thị trường Trung Quốc còn rất lớn. Đối với dừa tươi, Việt Nam có diện tích lớn, sản lượng cao nên khi mở cửa thị trường cũng sẽ nhanh chóng mang về được giá trị cao. "Còn bơ và chanh leo, nếu được mở cửa, giá trị xuất khẩu năm 2024 dự kiến khoảng 50 triệu USD/mặt hàng vì diện tích trồng còn ít. Một nguyên nhân khác là do bơ Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với bơ Hass từ Úc, châu Phi, còn chanh dây phải cạnh tranh với hàng nội địa Trung Quốc" - ông Nguyên phân tích.
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhiều nước xuất khẩu rau quả cũng hướng đến thị trường Trung Quốc nên tính cạnh tranh ngày càng lớn. Do đó, ngành rau quả Việt Nam cần phải nỗ lực để giữ thị trường này. "Chất lượng, an toàn thực phẩm là yêu cầu số 1. Các nhà xuất khẩu cũng cần nghiên cứu nhu cầu, thời vụ của nông sản tại Trung Quốc để tổ chức sản xuất phù hợp. Ví dụ, chuối tươi gần đây xuất khẩu khó khăn vì Trung Quốc cũng có hàng nội địa" - ông Nguyên dẫn chứng.
Ông Đặng Đình Long, Tổng Giám đốc Công ty Logistics Mega A, cho rằng thị trường Trung Quốc còn rất rộng lớn, dư địa về xuất khẩu nông sản rất dồi dào nếu logistics được cải thiện. "Nếu thay đổi vận chuyển từ đường bộ sang đường biển chi phí xuất khẩu sẽ giảm và hàng hóa có thể đi sâu hơn vào nội địa Trung Quốc" - ông Long nêu giải pháp.
Theo ông Long, hiện Đề án "Phát triển hệ thống logistics nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến 2030 tầm nhìn 2050" đã được ban hành với 3 cấp độ: vùng nguyên liệu, trung tâm vùng, khu vực biên giới, cùng 2 kênh là thương mại điện tử và thương mại truyền thống. Đề án này cần sớm triển khai để giảm chi phí logistics, góp phần cải thiện chất lượng nông sản, tăng khả năng cạnh tranh, giúp Việt Nam nhận được những đơn hàng cực lớn của thương nhân thị trường tỉ dân.
Xuất khẩu đầu năm tăng đột biến
Theo Bộ NN-PTNT, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản tháng 1-2024 ước đạt 5,15 tỉ USD, tăng 79,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 2,71 tỉ USD, tăng 93,8%; xuất khẩu thủy sản đạt 730 triệu USD, tăng 60,8%; giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản đạt 1,49 tỉ USD, tăng 72,5%.