Ông Vương Đức Thiên - Trưởng phòng Pháp lý CTCP Beton 6 (BT6) cho biết Công ty hiện đã làm thủ tục phá sản gửi đến cơ quan chức năng và đang chờ giải quyết, nguồn tin từ báo Tiền Phong cho hay.
Theo vị lãnh đạo nào, Beton 6 đang lâm vào cảnh bế tắc, khó khăn về tài chính, các khoản trợ cấp cho người lao động sau khi thôi việc cũng chưa được trả hết. Trong những ngày qua, khoảng 70 lao động từng làm việc tại Beton 6 nhiều năm nhưng chưa được trả tiền trợ cấp theo quy định đã đến trụ sở tại Dĩ An, Bình Dương để đòi quyền lợi. Hiện Công ty chỉ duy trì hoạt động theo đơn hàng nhưng được sự giám sát của cơ quan chức năng; lực lượng lao động từ hàng nghìn người giảm còn dưới 200 người.
Xem thêm: Công ty tiền thân vốn Nhà nước lâu đời nhất ở Bình Dương vỡ nợ, tuyên bố phá sản
Hàng trăm tỷ dư nợ tồn đọng nhiều năm liền
Đây là kết thúc cho một thương hiệu ngành xây dựng vang bóng tại Việt Nam sau thời gian dài liên tục sa sút. Công ty bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục tại BCTC kiểm toán năm 2018. Năm 2019, Beton 6 lên kế hoạch kêu gọi nhà đầu tư tham gia, tái cấu trúc chỉ tập trung mảng kinh doanh có lợi nhuận...
Song, tình hình thực tế tiếp tục bết bát, 9 tháng đầu năm doanh thu Beton 6 giảm 73% xuống chỉ còn khoảng 30 tỷ đồng và lỗ ròng 42 tỷ.
Hiện, Công ty đang có nhiều khoản vay tại các ngân hàng đã tồn tại trong nhiều năm. Tính đến thời điểm 30/9/2019, tổng dư nợ vay của Beton 6 vào mức 348 tỷ đồng. Không chỉ ngân hàng, nhiều đối tác là doanh nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng khi Beton 6 phá sản. Điển hình, Vietinbank – Chi nhánh Tp.HCM – có dư nợ cao nhất với 188 tỷ đồng; Eximbank – Chi nhánh Tp.HCM - dư nợ 63 tỷ đồng; Vietcombank cũng ghi nhận 64 tỷ đồng…
Vào cuối năm 2019 Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam đã có thông báo thực hiện rao bán khoản nợ của Beton 6.
Từng là tên tuổi vang bóng, Beton 6 bắt đầu sa sút và tên tuổi dần "biến mất" từ năm 2010
Về Beton 6, sớm thành lập vào năm 1958, Công ty từng là một trong những doanh nghiệp hàng đầu tại khu vực phía Nam trong lĩnh vực sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn cung ứng cho các công trình cầu đường. Công ty cũng tiên phong chào sàn từ đầu năm 2002 và một thời gian dài được nhiều nhà đầu tư lớn (đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài) ưa thích.
Đáng chú ý, ông Trịnh Thanh Huy - một doanh nhân được biết đến với nhiều khoản đầu tư đình đám - bắt đầu tham gia vào HĐQT của Beton 6 từ năm 2009 và là lãnh đạo cao cấp duy nhất của Công ty vẫn còn tại nhiệm từ đó đến nay.
Về kinh doanh, Công ty bắt đầu sa sút từ sau những năm 2010-2011, tên tuổi Beton 6 lúc bấy giờ gần như "biến mất" trên thị trường. Năm 2015, Beton 6 hủy niêm yết trên HoSE với lý do tập trung vào việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tập trung phát triển doanh nghiệp.
Tuy nhiên, thời gian sau đó tình trạng hoạt động Công ty càng thêm "bết bát", đến năm 2017 doanh thu tiếp tục giảm phân nửa và chính thức báo lỗ trước thuế 139 tỷ đồng. Sang năm 2018, thua lỗ càng nặng nề với hơn 300 tỷ đồng.
Tại BCTC năm 2018, kiểm toán nêu ý kiến ngoại trừ về khả năng hoạt động liên tục của Beton 6; khi lỗ lũy kế ghi nhận 342,5 tỷ đồng, nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn là 312 tỷ đồng.
Giải trình, ban lãnh đạo Beton 6 cho hay ngành xây dựng đi xuống dẫn đến dự án Công ty đã bắt đầy bị trì hoãn hoặc hủy bỏ, số lượng đơn hàng giảm. Ngoài ra, các ngân hàng đồng loạt giảm hạn mức tín dụng, Beton 6 theo đó không đủ khả năng để thực hiện nhiệm vụ thanh toán cho các chủ nợ, nhà cung cấp và đối tác khác.
Trước Beton 6, một công ty khác có liên quan đến ông Trịnh Thanh Huy là Descon cũng đã lâm vào tình trạng phá sản.