Đánh thuế vào người thu nhập thấp lúc này là chưa phù hợp
Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế sở hữu với người có nhà, đất giá trị từ 700 triệu đồng trở lên. Quan điểm của ông thế nào về đề xuất trên?
Theo tôi, đề xuất trên vừa không phù hợp với thực tiễn, vừa tạo ra sự xung đột, bất nhất về chính sách. Thực tế, với trên 700 triệu đồng, ở các đô thị lớn, người dân chỉ có thể mua nhà ở xã hội, chứ khó mà mua được nhà thương mại. Những người mua nhà ở xã hội là những người thu nhập thấp, lẽ ra phải được ưu đãi, hỗ trợ chứ sao lại tìm cách đánh thuế, tận thu. Đánh thuế vào người nghèo, người thu nhập thấp lúc này là không phù hợp.
Hơn nữa, chúng ta thấy, trong những năm qua Nhà nước đã ban hành hàng loạt các chính sách ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân xây nhà, mua nhà ở xã hội, từ việc giảm thuế, phí, cho vay ưu đãi… Mục tiêu của các chính sách đó là để hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu và quyền về nhà ở, giúp người dân ổn định cuộc sống. Do đó, nếu đánh thuế tài sản thì sẽ tạo ra sự thiếu thống nhất của chính sách, khi ưu đãi đầu này, nhưng lại đánh thuế “tận thu” đầu kia.
Ngoài ra, trong điều kiện thu nhập còn thấp, bình quân chỉ đạt trên 2.300 USD/ người/ năm nên để mua được đất đai, nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên, phần lớn người dân phải vay mượn, thậm chí có người vay mượn đến 50 - 70%. Đối với những người có thu nhập, thì về bản chất cũng đã phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Họ phải tiết kiệm nhiều năm mới có được trên 700 triệu đồng để mua được một căn nhà nhằm “an cư lạc nghiệp”. Vậy mà bắt họ phải nộp thuế thu nhập tài sản nữa thì đúng là thuế chồng thuế, rất bất hợp lý. Thu thuế tài sản đối với nhà ở trên 700 triệu đồng trở lên sẽ tạo thêm gánh nặng cho người nghèo, khiến ước mơ có nhà ở của họ ngày một thêm xa.
Nhiều ý kiến băn khoăn: Tại sao không đánh thuế tài sản theo phương thức lũy tiến, tức là đánh thuế từ căn thứ hai trở đi để tránh việc đầu cơ?
Trước đây, Quốc hội khóa XIII cũng đã bàn về đánh thuế tài sản, trong đó có thuế nhà để tránh đầu cơ, tích trữ. Nhiều ý kiến khi đó cũng đề xuất nên đánh lũy tiến đối với căn nhà thứ 2, thứ 3 trở đi. Tuy nhiên, vấn đề này cũng vấp phải nhiều ý kiến khác nhau. Bởi người có nhiều nhà, nhiều đất nhưng giá trị thì chưa chắc đã bằng người có một mảnh đất hoặc một ngôi nhà. Thế thì làm sao bảo đảm được sự công bằng ở đây? Điều quan trọng của chính sách thuế là làm sao bảo đảm sự công bằng, đánh thuế vào những tài sản có giá trị lớn, cũng như ngăn chặn được tình trạng đầu cơ. Do đó, theo tôi có thể đánh lũy tiến nhưng phải căn cứ vào giá trị của ngôi nhà.
Đặc biệt, khi chính sách đưa ra phải bảo đảm sự thống nhất, không có sự xung đột. Nhà nước đang hỗ trợ về chính sách, vay ưu đãi để người dân mua nhà giá rẻ… Vậy mà, một đầu hỗ trợ, một đầu đánh thuế thì rất không phù hợp, cần phải xem xét lại. Trong điều kiện cuộc sống của người dân còn khó khăn, thu nhập còn thấp, giá nhà đắt đỏ thì chưa nên đánh thuế này.
“Tiết kiệm hơn là tận thu, bù chi”
Việc đề xuất đánh thuế tài sản với nhà, đất có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên khiến nhiều người có cảm giác rằng, Bộ Tài chính đang bằng mọi cách “tận thu để bù chi”? Ông bình luận thế nào về vấn đề này?
Việc điều chỉnh chính sách thu thuế là việc cần thiết nhưng không có nghĩa là ngân sách nhà nước không cân đối được thì tìm mọi cách để tận thu cho đủ. Tôi được biết, một trong những mục tiêu của việc đánh thuế tài sản là nhằm cân đối ngân sách, tăng nguồn thu. Tuy nhiên, chúng ta xây dựng dự thảo mà đặt nặng vấn đề đó sẽ cản trở phát triển kinh tế, xã hội. Muốn cân đối ngân sách phải cơ cấu lại thu, cơ cấu lại chi. Cơ cấu chi của chúng ta hiện nay bất cập, 2/3 là chi thường xuyên. Do đó, điều quan trọng nhất lúc này là điều chỉnh lại chính sách chi theo hướng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Để tiết giảm chi thường xuyên thì Chính phủ cần phải đẩy mạnh việc tinh giản bộ máy, cơ cấu tổ chức theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 6. Bộ máy của chúng ta hiện nay rất cồng kềnh, trùng lắp, số lượng biên chế quá lớn, tiêu tốn quá nhiều ngân sách. Nếu Chính phủ thực hiện quyết liệt, đẩy mạnh việc sáp nhập, giải thể các cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ trùng lắp thì sẽ tạo “ra tiền, ra gạo”, chứ đâu phải thu mới “ra tiền ra gạo”.
Theo tôi, trước mắt Chính phủ, Bộ Tài chính cần tái cơ cấu ngân sách theo hướng tiết giảm chi thường xuyên. Còn việc mở rộng đối tượng chịu thuế thì cần cân nhắc cho phù hợp, tránh việc thu chỉ đề bù đắp cho phần hụt thu, thiếu hụt ngân sách. Đặc biệt khi thu nhập bình quân đầu người còn thấp thì việc khoan sức dân là cần thiết, nếu không sẽ gây tác dụng ngược.