Tạm hoãn hợp đồng lao động là việc tạm dừng thực hiện hợp đồng lao động trong một thời gian nhất định vì các lý do theo pháp luật quy định hoặc thỏa thuận giữa hai bên.
So với quy định hiện hành, Bộ luât Lao động 2019 đã mở rộng thêm nhiều trường được tạm hoãn hợp đồng lao động.
Khoản 1 Điều 30 Bộ luật Lao động 2019 quy định, từ 2021, có 8 trường hợp được tạm hoãn hợp đồng lao động bao gồm: Người lao động thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ dân quân tự vệ; Người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo pháp luật tố tụng hình sự; Người lao động phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện hoặc cơ sở giáo dục bắt buộc; Lao động nữ mang thai nếu tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi; Người lao động được bổ nhiệm làm người quản lý doanh nghiệp của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;
Ngoài ra, người lao động được ủy quyền để thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Người lao động được ủy quyền để thực hiện quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với phần vốn của doanh nghiệp đầu tư tại doanh nghiệp khác; Trường hợp khác do hai bên thỏa thuận cũng thuộc diện được hoãn hợp đồng lao động.
Như vậy, so với quy định hiện hành, Bộ luật Lao động mới đã bổ sung thêm một số trường hợp được hoãn hợp đồng lao động như người lao động thực hiện nghĩa vụ dân quân tự vệ, người lao động thực hiện quyền, trách nhiệm đối với phần vốn của doanh nghiệp tại doanh nghiệp khác…
Về quyền lợi của người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, khoản 2 Điều 30 Bộ luật Lao động 2019 nêu rõ, trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động không được hưởng lương, quyền và lợi ích đã giao kết trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.
Quy định này nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp khi giải quyết chế độ cho người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.
Sau khi hết thời gian tạm hoãn hợp đồng, người lao động và người sử dụng phải làm một số việc nhất định để hợp đồng lao động được tiếp tục thực hiện. Theo Điều 10 Nghị định 05/2015/NĐ-CP, người lao động phải có mặt tại nơi làm việc trong thời hạn 15 ngày. Nếu không thể có mặt tại nơi làm việc đúng thời hạn thì phải thỏa thuận với người sử dụng lao động về thời điểm có mặt.
Người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc, bố trí công việc theo hợp đồng đã giao kết. Trường hợp không bố trí được đúng công việc thì thỏa thuận công việc mới và sửa đổi, bổ sung hợp đồng đã giao kết hoặc giao kết hợp đồng lao động mới.
(Theo An ninh Thủ đô)