Theo thông lệ hàng năm, "mùa Đại hội cổ đông" cũng là lúc các doanh nghiệp đua nhau trả cổ tức của năm trước đó cho cổ đông. Tuy vậy, năm nay, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, hàng loạt doanh nghiệp cùng chịu khó khăn chung. Do vậy, cổ đông chắc chắn cũng hoàn toàn có thể hiểu nếu doanh nghiệp chưa/chậm/hay thậm chí hoãn trả cổ tức đã được quyết định trước đó.
Tuy vậy, bên cạnh những doanh nghiệp đã quyết định lùi lại ngày trả cổ tức, thì vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp quyết định trả ngay trong những ngày khó khăn do ảnh hưởng từ dịch bệnh. Hàng nghìn tỷ đồng sinh lợi từ hoạt động kinh doanh năm ngoái đã và đang được doanh nghiệp trả cho cổ đông. Thông thường, phần lớn trong số này sẽ đổ trở lại thị trường chứng khoán, là một cái "phao cứu sinh" được quăng ra cho thị trường khi nhiều mã cổ phiếu đang giảm sâu từ đầu năm 2020 đến nay.
Điểm lại, những ngày vừa qua, các doanh nghiệp cũng đã quăng ra nhiều cái "phao". Một trong số đó là khoảng 4.000 tỷ đồng do các doanh nghiệp đã và đang đổ tiền ra mua cổ phiếu quỹ. Tiếp đó là khoảng 3.000 tỷ đồng tiền tươi thóc thật từ các lãnh đạo, người nhà các doanh nghiệp dự kiến đổ ra mua cổ phiếu của công ty mình.
Còn từ kênh cổ tức, chỉ nhìn những ngày gần đây nhất, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex – mã chứng khoán PLX) đã quyết định dùng cả các nguồn quỹ khác của chủ sở hữu để chia cổ tức năm 2019 bằng tiền tỷ lệ 20% cho cổ đông, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 2.000 đồng.
Như vậy với hơn 1,17 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, Petrolimex sẽ chi số tiền mặt khoảng 2.340 tỷ đồng trả cổ tức lần này. Danh sách cổ đông sẽ được hốt vào ngày 31/3/2020 tới đây.
Cũng đang chịu ảnh hưởng nặng từ dịch bệnh Covid-19 nhưng Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã chứng khoán PNJ) vẫn sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 16/4 tới đây để chi tạm ứng cổ tức bằng tiền đợt 2 cho năm 2019 với tỷ lệ 10%. Điều này cũng đồng nghĩa với việc PNJ sẽ chi ra khoảng 225 tỷ đồng tiền mặt đợt này.
Doanh nghiệp ngành động sản, CTCP Đầu tư Năm bảy Bảy (NBB) cũng dự chi hơn 230 tỷ đồng tiền mặt tạm ứng cổ tức cho cổ đông tỷ lệ 25%. Danh sách cổ đông sẽ được chốt vào ngày 23/4 và tiền sẽ được chi trả vào 28/4 tới đây.
Doanh nghiệp ngành hàng không, đơn vị chịu tác động trực tiếp và rõ ràng nhất từ dịch bệnh Covid19 như Noibai Cargo (NCT) thì đã nhanh chóng chốt danh sách cổ đông vào ngày 10/3 vừa qua để trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 40%. Số tiền được chi trả cho cổ đông vào ngày 8/4 tới đây. Tổng số tiền mà Noibai Cargo chi ra khoảng hơn 100 tỷ đồng.
Với những doanh nghiệp đã trả xong trong tháng 3 vừa qua, nhà đầu tư cũng đừng vội quên việc Thủy sản Minh Phú (MPC) vừa chi gần 400 tỷ đồng trả cổ tức tỷ lệ 20% bằng tiền mặt cho cổ đông.
Còn Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi (DNH) vừa trả xong 5% cổ tức bằng tiền trong tháng 3 vừa qua, đã vội quyết định chi thêm 2% trong đợt 3. Danh sách cổ đông được chốt vào ngày 15/4 và tiền chi trả vào cuối tháng.
Còn cổ đông May Xuất khẩu Phan Thiết (PTG) thì đang "mừng thầm" khi giá cổ phiếu trên thị trường chỉ 2.100 đồng/cổ phiếu nhưng lại sắp được nhận số cổ tức tương ứng 10.000 đồng trên mỗi cổ phiếu sở hữu. May Xuất Khẩu Phan Thiết cũng là doanh nghiệp thường xuyên trả cổ tức cao. Đây cũng chính là lý do gần như không có giao dịch cổ phiếu May Xuất Khẩu Phan Thiết khớp lệnh trên thị trường. Các nhà đầu tư chỉ cần nắm giữ và chờ ngày nhận cổ tức.
Theo thống kê, có khoảng một trăm doanh nghiệp vẫn chốt quyền trả cổ tức bằng tiền từ đầu năm 2020 đến nay. Không thể chắc chắn rằng toàn bộ số tiền mặt trên sẽ được đổ trở lại thị trường chứng khoán, nhưng phần lớn trong số đó sẽ được các nhà đầu tư sử dụng. Và đây chính là một kênh tiền mặt khác đổ vào thị trường – một phần giúp "giải cứu" thị trường trước tác động của dịch bệnh Covid-19.
Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, việc các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các lãnh đạo công ty cùng nhau chung tay giúp Chính phủ chống dịch, cùng với đó là việc giữ cho giá chứng khoán ổn định, thị trường chứng khoán chịu ảnh hưởng thấp nhất từ dịch bệnh.
Đáng chú ý, từ các động thái mạnh tay từ các doanh nghiệp, từ các lãnh đạo công ty, thị trường chứng khoán đã, đang và sẽ tiếp nhận hàng chục nghìn tỷ đồng "tiền tươi thóc thật" đổ vào. Thị trường đang tiếp nhận và diễn biến tốt, nhiều mã chứng khoán đã quay đầu tăng điểm là cách trấn an các nhà đầu tư nhanh nhất.
Cái "phao cứu sinh thứ 2": Các lãnh đạo doanh nghiệp "đổ" khoảng 2.000 tỷ đồng tiền mặt vào thị trường chứng khoán