Con số này thấp hơn so với dự đoán được các chuyên gia kinh tế chia sẻ trước đó. Vài giờ trước khi báo cáo được công bố, người ta cho rằng Mỹ sẽ có tới 7 triệu người hoặc hơn xin trợ cấp thất nghiệp vào tuần kết thúc vào ngày 4/4.
Tuy nhiên, số liệu chính thức cho thấy một con số không tệ như người ta nghĩ, dù nó vẫn rất tệ.
Hai tuần liên tiếp, số người xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ đều đạt trên 6 triệu người, đưa tổng số người thất nghiệp trong 3 tuần qua lên cón số hơn 15 triệu người. Nó là hệ lụy của việc Mỹ áp đặt các biện pháp cứng rắn nhằm ngăn ngừa virus corona lây lan trong cộng đồng, vốn đã khiến nước này dẫn đầu thế giới về tình hình dịch bệnh.
Số người thất nghiệp ở Mỹ có thể sẽ tăng, một phần vì nhiều tiểu bang vẫn còn chưa giải quyết các hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp còn tồn đọng. Với việc các doanh nghiệp bị buộc phải tạm ngừng kinh doanh, việc sa thải chắc chắn sẽ tiếp tục diễn ra để tiết kiệm chi phí. Đây cũng là năm mà tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ nhiều chưa từng có trong lịch sử.
Trước thông báo chính thức, một số chuyên gia dự đoán rằng một kỷ lục khác về tình trạng thất nghiệp sẽ được thiết lập bởi số lượng đơn quá lớn trong tuần kết thúc vào ngày 4/4. Tuy nhiên, số liệu chính thức công bố lúc 8h30 theo giờ Mỹ, tức 20h30 theo giờ Hà Nội có vẻ không tệ đến vậy.
Jesse Edgerton, một nhà kinh tế tại JPMorgan Chase, là một trong những người từng bi quan về con số thất nghiệp ở Mỹ. Ông dự đoán rằng có tới 7 triệu người sẽ tìm kiếm trợ cấp thất nghiệp trong tuần này. Nó sẽ phá vỡ kỷ lục 6,6 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp của tuần trước đó.
Các chuyên gia kinh tế dự báo rằng có tới 50 triệu việc làm có thể bị mất liên quan đến tác động của virus corona, tương đương 1/3 số việc làm hiện có của Mỹ. Con số này được đưa ra dựa trên tính toán các vị trí mà tiểu bang và liên bang coi là không thiết yếu và có thể làm việc tại nhà thay vì tới công sở làm việc.
Điều này không đồng nghĩa với việc tất cả số lao động này đều bị sa thải hoặc nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, nó cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình trạng mất việc làm có thể xảy ra do đại dịch, điều mà có lẽ người ta chưa từng nhìn thấy trong lịch sử nước Mỹ.
Beth Ann Bovino, chuyên gia kinh tế trưởng của S&P Global Ratings, nói rằng việc sa thải sẽ khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 15% vào tháng tới với ít nhất 13 triệu việc làm bị mất. Trong cuộc khủng hoảng tài chính kết thúc năm 2009, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ chưa bao giờ vượt quá con số 10%.
Ngay cả những người xin trợ cấp thất nghiệp cũng chưa phải tất cả những người mất việc vì Covid-19. Chính quyền Liên bang tung gói cứu trợ kinh tế 2,2 nghìn tỷ USD, trong đó có các khoản tăng cường bảo hiểm thất nghiệp cho nhóm mà trước đây không đủ điều kiện bao gồm những người tự làm chủ hay những nhà thầu độc lập. Tuy nhiên, một số tiểu bang phản đối những quy tắc mới, gây ra nhiều nút thắt.