Việc các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán giảm vốn điều lệ dù không phải là hiện tượng lạ.Tuy nhiên hiện số doanh nghiệp trên sàn chứng khoán giảm vốn thực sự còn rất ít.
Gang thép Thái Nguyên giảm 1.000 tỷ đồng vốn điều lệ
Khoảng 2 năm trước, Gang thép Thái Nguyên (TIS) cũng làm tốn nhiều giấy bút khi quyết định giảm vốn điều lệ từ 2.840 tỷ đồng xuống 1.840 tỷ đồng. Nguyên nhân, do Tổng Công ty đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) rút toàn bộ vốn góp 1.000 tỷ đồng, tương đương 100 triệu cổ phần tại doanh nghiệp này.
Đây là số tiền dự kiến góp để thực hiện dự án mở rộng Tisco giai đoạn 2. Tuy nhiên dự án mãi dậm chân, và SCIC quyết định rút vốn. Trước quyết định rút vốn này, nhiều kịch bản cũng được nhà đầu tư đặt ra, tuy vậy phương án cuối cùng vẫn là Tisco giảm vốn điêu lệ với số tiền tương ứng.
Tổng công ty Sông Hồng cũng giảm vốn điều lệ do Nhà nước rút vốn
Sau Gang thép Thái Nguyên, Tổng công ty Sông Hồng (SHG) cũng giảm vốn điều lệ từ 270 tỷ đồng xuống còn gần 205 tỷ đồng do hủy đăng ký hơn 6,5 triệu cổ phiếu. Nguyên nhân cũng do cổ đông Nhà nước rút vốn.
Điểm khác biệt giữa Tổng Công ty Sông Hồng và Gang thép Thái Nguyên khi giảm vốn do nhà nước rút vốn là do, tại Tisco, số vốn mà SCIC đầu tư được mang đi gửi ngân hàng, chưa sử dụng do dự án chưa triển khai xong, sau đó được rút vốn. Còn tại Tổng công ty Sông Hồng là do Tổng công ty tách Trưởng Trung cấp Kỹ thuật nGhiệp vụ Sông Hồng về cho Bộ Xây dựng quản lý.
Becamex IJC mua lại 50% cổ phần để giảm vốn
Tuy nhiên, trước Tisco, một doanh nghiệp trong ngành Khu công nghiệp là CTCP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật (Becamex IJC – mã chứng khoán IJC) cũng đã giảm vốn điều lệ theo một cách hoàn toàn khác. Phương thức thực hiện của Becamex IJC là chi tiền mua lại cổ phiếu từ cổ đông rồi giảm vốn.
Cụ thể, lúc đó Becamex IJC mua lại 50% tổng số cổ phiếu của công ty từ các cổ đông với giá 10.000 đồng/cổ phiếu trong khi tại thời điểm đó cổ phiếu IJC giao dịch trên thị trường với giá chưa đến 8.500 đồng/cổ phiếu. Việc hoàn trả 50% vốn góp theo tỷ lệ cổ phần của cổ đông để giảm vốn như Becamex IJC là một hiện tượng hy hữu. Nguồn vốn thực hiện lấy từ chuyển nhượng tài sản các công ty con.
Hoàn tất quá trình, Becamex IJC giảm vốn điều lệ một nửa xuống còn hơn 1.370 tỷ đồng. Hiệu quả kinh doanh của công ty cũng tăng đáng kể, chỉ số EPS tăng mạnh.
Trên thực tế, các doanh nghiệp giảm vốn điều lệ khá nhiều, chủ yếu vẫn chỉ là phương thức hủy số cổ phiếu quỹ đang có để giảm vốn.
Thủy sản Mekong từng gây bất ngờ khi đẩy doanh nghiệp đến trước nguy cơ hủy niêm yết
Gần 2 năm trước, Thủy sản Mekong (AAM) gây bất ngờ khi thông báo hủy bỏ toàn bộ 2,7 triệu cổ phiếu quỹ, giảm vốn điều lệ từ 126 tỷ đồng xuống dưới 100 tỷ đồng. Điều làm cho nhà đầu tư chú ý là sau khi giảm vốn, Thủy sản Mekong đã không còn đáp ứng đủ điều kiện về vốn điều lệ tối thiểu, và đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết trên sàn Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh. Cùng với đó cổ phiếu AAM bị đưa vào diện bị cảnh báo.
Tuy nhiên, sau hơn nửa năm, Thủy sản Mekong đã đưa ra phương án khắc phục bằng cách phát hành hơn 2,4 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, và tăng vốn điều lệ lên trên 123,4 tỷ đồng, đủ điều kiện niêm yết trên HoSE.
Lideco hủy cổ phiếu quỹ để giảm vốn
Mới đây nhất, CTCP Phát triển đô thị Từ Liêm (Lideco – mã chứng khoán NTL) đã quyết định giảm vốn điều lệ từ 636 tỷ đồng xuống còn gần 610 tỷ đồng bằng cách hủy đi hơn 2,61 triệu cổ phiếu quỹ đang có.
Những doanh nghiệp hủy cổ phiếu quỹ để giảm vốn điều lệ còn có thể kể tên như CTCP Đầu tư Tài chính giáo dục (EFI), hay trước đó nữa là việc CTCP Cáp Sài Gòn (CSG) lên phương án giảm vốn điều lệ bằng cách hủy cổ phiếu quỹ và mua lại cổ phiếu từ các cổ đông.
Theo quy định, một doanh nghiệp có thể giảm vốn điều lệ bằng cách hoàn trả một phần vốn góp cho thành viên nếu đã hoạt động kinh doanh hơn 2 năm và vẫn đảm bảo thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi hoàn trả vốn cho thành viên. Cũng có thể mua lại cổ phần theo quy định và giảm vốn điều lệ ứng với giá trị tài sản giảm xuống của công ty. Việc các doanh nghiệp giảm vốn điều lệ nhằm phù hợp với nhu cầu và định hướng kinh doanh đã không còn "lạ".