Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Nam Thăng Long (VietinBank Nam Thăng Long) mới đây cho biết có nhu cầu bán toàn bộ khoản nợ (gốc, lãi, phí...) của Công ty TNHH Khách sạn Du lịch Huy Hùng tại VietinBank Nam Thăng Long để xử lý thu hồi nợ vay.
Khoản nợ của công ty tại VietinBank đến hết ngày 15/9/2022 là hơn 53,2 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc là hơn 44 tỷ, dư nợ lãi là gần 9 tỷ.
Tài sản bảo đảm cho khoản nợ là Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất Khách sạn Galaxy River Hotel của Công ty, tại thửa đất số 103 và 201, tờ bản đồ số 66, phường Thịnh Đán, thành phố Thái Nguyên. Tổng diện tích khu đất là 366,4 m2; tổng diện tích sàn xây dựng khách sạn 4.627.1m2. Tài sản trên đất là khách sạn Galaxy River xây dựng 14 tầng gồm 01 tầng hầm + 12 tầng nổi + 01 tầng áp mái.
Ngân hàng cho biết, giá trị tài sản bảo đảm là 88,75 tỷ đồng. Giá mua/bán khoản nợ theo thoả thuận.
Trước đó, VietinBank cũng đã siết nhiều khoản nợ có tài sản bảo đảm là khách sạn. Chẳng hạn, hồi tháng 7, VietinBank rao bán một khoản nợ hơn 116 tỷ đồng của khách hàng với tài sản bảo đảm là khách sạn Phố Núi tại địa chỉ 44 - 46 Nguyễn Chí Thanh, phường 1, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Bất động sản này có diện tích đất là 639,83 m2 (đất ở tại đô thị), trong đó sử dụng riêng 633,45 m2, sử dụng chung 6,38 m2. Diện tích xây dựng khách sạn là 511,86 m2, diện tích sàn 2041,71 m2.
Tháng 3/2022, VietinBank rao bán tài sản của Công ty TNHH Du lịch Hoàng Phúc là Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất có diện tích 296,8m2 tại tổ 7, phường Sa Pa, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Tài sản gắn liền trên đất là nhà ở gồm khối nhà 2 tầng diện tích 220,1m2, khối nhà 5 tầng diện tích 740,7m2. Tài sản được xây dựng và khai thác làm khách sạn với số lượng 26 phòng. Giá bán khởi điểm hơn 25,1 tỷ đồng.
VietinBank cũng từng rao bán khoản nợ hơn 36,3 tỷ đồng của Công ty TNHH Coco City Tour được đảm bảo bởi Khách sạn Cây Thông tại Thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo, tĩnh Vĩnh Phúc và 16 xe Bus mui trần. Khách sạn có diện tích 1.250 m2.
Dịch Covid-19 bùng phát trong 2 năm 2020-2021 đã khiến nhiều doanh nghiệp vận tải du lịch, nhà hàng, khách sạn gần như đóng cửa vì không có khách. Doanh thu thấp, không có dòng tiền dẫn đến nhiều doanh nghiệp trót vay ngân hàng rơi vào tình cảnh mất khả năng trả nợ.
Ngành dịch vụ đã được phục hồi trở lại từ đầu năm nay nhưng nhiều doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, khách sạn vẫn còn rất chật vật. Dù đã được hỗ trợ giãn nợ song hết thời hạn cơ cấu, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tìm ra nguồn để trả nợ nên đành để ngân hàng thanh lý tài sản đảm bảo.
Tuy nhiên việc xử lý tài sản đảm bảo của các ngân hàng thời điểm này cũng gặp không ít khó khăn. Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản trầm lắng với thanh khoản xuống thấp thời gian gần đây khiến cho việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng không hề dễ dàng, nhất là những tài sản giá trị lớn sẽ khó tìm được người mua trong bối cảnh hiện nay. Bởi vậy, nhiều ngân hàng cũng đã giảm mạnh giá phát mại để đẩy nhanh xử lý các khoản nợ xấu hơn.