Theo báo cáo của Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh, đến tháng 12-2022, với sự chủ động của cơ quan thuế, tổng thu ngân sách năm 2022 của thành phố ước đạt hơn 300.000 tỷ đồng, bằng 107,9% dự toán, tăng 2,4% so với thực hiện năm 2021. Để đạt kết quả này, ngành Thuế đã triển khai nhiều giải pháp như tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, hỗ trợ giãn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất... Đẩy mạnh ứng dụng nền tảng mới, như: Ứng dụng Etax mobile cho người nộp thuế là cá nhân, hộ kinh doanh; cổng thông tin điện tử cho nhà cung cấp nước ngoài...
Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra tiếp tục hoàn thành kế hoạch, mục tiêu đề ra, góp phần tạo công bằng và động lực cho doanh nghiệp, người nộp thuế, nâng cao tính tuân thủ pháp luật thuế, công tác thu hồi nợ đạt hiệu quả, đặc biệt là thu các khoản nợ từ đất đai, qua đó góp phần vào kết quả chung của toàn ngành về thu ngân sách. Đơn cử như Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV có số thuế nộp là gần 800 tỷ đồng; Công ty TNHH Liên doanh Thành phố Đế Vương nộp thuế 621 tỷ đồng; Công ty cổ phần VNG nộp thuế 514 tỷ đồng...
Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh cho biết, số thu ngân sách nhà nước của đơn vị lũy kế từ đầu năm đến ngày 18-12-2022 đạt 137.092,4 tỷ đồng, đạt 117,68% chỉ tiêu pháp lệnh (116,500 tỷ đồng), đạt 99,34% chỉ tiêu phấn đấu (138.000 tỷ đồng); tăng 17,68% so với cùng kỳ năm 2021. Điển hình, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1 (Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh) thu ngân sách đạt cao, tính đến ngày 20-12-2022, số thu là 48.214,8 tỷ đồng, đạt 102,58% chỉ tiêu pháp lệnh (47.000 tỷ đồng).
Phó Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1 Đỗ Thế Mạnh thông tin, ngay từ đầu năm, đơn vị đã đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan thông qua việc tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý; tăng cường đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, kịp thời giải quyết các vướng mắc. Ngoài ra, đơn vị cũng quyết liệt đẩy mạnh các biện pháp thu và chống thất thu ngân sách có trọng tâm, trọng điểm như: Tập trung rà soát, kiểm tra mã số, thuế suất, trị giá, số lượng, các trường hợp miễn - giảm - hoàn - không thu thuế, loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất, nhập tạm tài sản cố định theo dự án đầu tư, bảo đảm đúng đối tượng và đủ điều kiện.
Bước sang năm 2023, dự báo tình hình quốc tế còn nhiều diễn biến khó lường, nhưng ngành Thuế thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm đạt tổng thu ngân sách nhà nước là 323.575 tỷ đồng, tăng 1,28% so với ước thực hiện năm 2022. Trong số đó, thu nội địa (trừ dầu thô, tiền sử dụng đất và xổ số kiến thiết) là 283.580 tỷ đồng, tăng 3,69% so với ước thực hiện năm 2022.
Còn Cục trưởng Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh Đinh Ngọc Thắng thông tin, ngành Hải quan tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra sau thông quan; tăng cường công tác nghiên cứu, phân tích, đánh giá dấu hiệu nghi vấn, nhận định đúng, trúng các mặt hàng trọng điểm, tập trung các mặt hàng có rủi ro; các đơn vị sẽ chú trọng chống gian lận xuất xứ đối với các mặt hàng ưu đãi đặc biệt thuế quan, nhập khẩu hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhập khẩu hàng không đúng với khai hải quan về chủng loại, số lượng, trị giá và hàng hóa thuộc diện cấm nhập khẩu...
"Hải quan thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới và hiện đại trên nền tảng số, phi giấy tờ, bảo đảm minh bạch, công bằng, hiệu lực, hiệu quả, có khả năng dự báo, thích ứng với sự biến động của thương mại quốc tế và yêu cầu quản lý của cơ quan hải quan, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, phục vụ người dân, doanh nghiệp", Cục trưởng Cục Hải quan Đinh Ngọc Thắng cho biết.