Điểm đáng chú ý tại thông tư này chính là lộ trình giảm dần tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn: 01/01/2020 - 30/9/2020 là 40%; 01/10/2020 - 30/9/2021 là 37%; 01/10/2021 - 30/9/2022 là 34% và từ 01/10/2022 sẽ chỉ còn là 30%.
Ảnh minh họa |
Phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có cuộc trao đổi nhanh với TS. Bùi Quang Tín - chuyên gia ngân hàng để hiểu rõ hơn về những tác động của quy định này đối với hoạt động của các ngân hàng.
Ông đánh giá ra sao đối với lộ trình giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của NHNN?
Bất cứ quyết định nào của NHNN cũng đều có tác động đến thị trường, ngân hàng và cả DN. Đối với quy định về tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn theo hướng giảm dần đã được đề cập và phân tích nhiều trong thời gian qua. Trước khi đưa ra quyết định này, NHNN đã đưa ra Dự thảo lấy ý kiến, từ đó đánh giá thực trạng làm sao các chủ thể liên quan ít chịu tác động tiêu cực với sự điều chỉnh chính sách của cơ quan quản lý Nhà nước.
Khi phân tích kỹ chủ thể liên quan chính sách này nổi lên DN BĐS có thể chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Vì DN này vẫn dựa vào dòng vốn hệ thống ngân hàng khá nhiều mà đặc biệt nhu cầu vốn của họ đa phần là vốn trung, dài hạn. Cho nên nếu giảm quá nhanh tác động đến các dự án, thị trường bất động sản. Tôi nghĩ đó cũng là một trong những lý do, NHNN đã chọn phương án giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống mức 30% theo lộ trình 3 năm và điều chỉnh giảm dần 3% theo từng mốc thời gian.
Theo tôi, đây là mức điều chỉnh tương đối nhẹ nhàng, phù hợp. Thực tế, trong hệ thống ngân hàng cũng có nhiều ngân hàng đưa tỷ lệ này xuống dưới 40% chỉ còn 30-35% nhưng cũng có ngân hàng tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn vẫn hơn 40%. Nếu NHNN yêu cầu giảm nhanh, giảm gấp mà các ngân hàng đang vướng nhiều hợp đồng cấp tín dụng đã ký với khách hàng tức là đã sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn khiến cho họ khó xoay xở.
Lúc đó, để tránh không vi phạm quy định ngân hàng chỉ có cách là giảm đầu ra hoặc tăng đầu vào. Ở phía đầu ra các ngân hàng phải giảm nhanh tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống hoặc là giảm cho vay trung, dài hạn. Cách này hơi khó vì ngân hàng đã trót ký hợp đồng, cam kết giải ngân với khách hàng rồi. Còn phía đầu vào, ngân hàng phải tăng huy động vốn ngắn hạn hoặc là tăng hút vốn trung, dài hạn. Trong tình huống này sẽ có nhiều ngân hàng tham gia cuộc đua huy động vốn và đẩy lãi suất trên thị trường lên khiến cho diễn biến thị trường lãi suất đi theo chiều hướng xấu.
Theo ông, các ngân hàng có xoay xở kịp thời để đưa tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn về mức 30% trong vòng 3 năm?
Tôi nghĩ là các ngân hàng có đủ thời gian để chuẩn bị và đáp ứng đúng quy định của NHNN đặt ra. Điều quan trọng nhất đạt được khi thực hiện chủ trương này là giảm thiểu rủi ro cho hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng có trách nhiệm hơn phải suy xét, cân nhắc kỹ càng khi cho vay các khoản vay trung dài hạn. Theo xu hướng này, ngân hàng chỉ là kênh cấp vốn ngắn hạn, còn DN muốn vay vốn trung, dài hạn thì phải ra thị trường vốn.
Một thay đổi chính sách đáng chú ý nữa trong tuần này là NHNN điều chỉnh giảm cả trần lãi suất huy động và cho vay kỳ hạn ngắn. Ông có thấy bất ngờ với quyết định trên?
Đúng là so với quy luật mọi năm thì quyết định trên có phần bất ngờ. Nhưng nếu đánh giá tình hình thực tế hiện tại thì tôi không bất ngờ và thấy đây là quyết định hoàn toàn phù hợp. Có 3 lý do để NHNN đưa ra quyết định giảm lãi suất.
Một là, đến thời điểm này đã có hơn 30 NHTW trên thế giới thực hiện giảm lãi suất. Hai là các chỉ số vĩ mô cụ thể là lạm phát được kiểm soát tốt. Ba là thanh khoản của các ngân hàng đang khá dồi dào thể hiện rõ qua lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đang giao dịch ở mức thấp… theo đó, ngân hàng còn dư địa để giảm lãi suất. Nếu tình hình kinh tế vĩ mô cũng như hoạt động ngân hàng tốt như hiện nay, thậm chí, sang năm sau lãi suất vẫn có thể tiếp tục giảm.
Ông đánh giá thế nào về các quyết định điều chỉnh chính sách lãi suất của NHNN trong năm 2019?
Theo tôi, các quyết định điều chỉnh lãi suất của NHNN trong năm 2019 đều rất hợp lý và chủ động theo xu hướng thị trường. Không như NHTW các nước trên thế giới giảm lãi suất khá mạnh như FED 3 lần giảm lãi suất, NHTW châu Âu còn duy trì lãi suất âm… Ở Việt Nam, NHNN cũng thực hiện giảm lãi suất nhưng ở mức vừa phải phù hợp với điều kiện diễn biến của thị trường chứ không giảm mạnh theo xu hướng chung.
Tôi cho rằng, mỗi quyết định điều chỉnh NHNN đã phải cân đong đo đếm để làm sao nếu như thị trường tài chính, tiền tệ có biến động tiêu cực thì vẫn chủ động kiểm soát được tình hình và có giải pháp xử lý kịp thời chứ không để tác động mạnh, gây bất ổn đến thị trường tài chính ngân hàng nói riêng, nền kinh tế nói chung.
Xin cảm ơn ông!