Hai động lực chính cho tăng trưởng 3 tháng cuối năm
Theo báo cáo của Mirae Asset, Việt Nam có thể đạt được mức tăng trưởng này nhờ vào hai động lực chính gồm đầu tư công và dòng vốn FDI. Hai yếu tố này được đẩy mạnh khi nền kinh tế mở cửa vào 3 tháng cuối năm 2021.
Các chuyên gia của Mirae Asset nhận định rằng, Việt Nam đã kịp thời chuyển từ chiến lược Zero Covid sang “sống chung với Covid”. Cụ thể, Việt Nam đang dần nới lỏng giãn cách và mở cửa từng phần tại các địa phương kiểm soát dịch tốt, đẩy mạnh tiêm vaccine, ban hành nhiều biện pháp hỗ trợ nền kinh tế.
Trước hết, dòng vốn FDI đăng ký tiếp tục giữ mức tăng trưởng 2 chữ số dù Việt Nam vẫn đang thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội tại nhiều nơi trong bối cảnh làn sóng Covid-19. Điều này chứng tỏ niềm tin của các doanh nghiệp FDI với Việt Nam vẫn được duy trì.
Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2021, FDI giải ngân đạt 13,28 tỷ USD ( giảm 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái). Trong khi đó, FDI đăng ký đạt 18,92 tỷ USD (tăng 22,3% so với cùng kỳ ), bao gồm vốn đăng ký mới là 12,5 tỷ USD (tăng 20,6%) và vốn đăng ký tăng thêm là 6,4 tỷ USD ( tăng 25,6%).
Nguồn: Mirae Asset
Dù giải ngân đầu tư công sụt giảm trong 9 tháng đầu năm, nhưng Mirae Asset nhận định đầu tư công sẽ là động lực tăng trưởng kinh tế chính trong 3 tháng cuối năm 2021 và các năm sau, khi kinh tế mở cửa trở lại.
Theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê, tính từ đầu năm đến 15/9/2021, chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 202,2 nghìn tỷ đồng. Con số này bằng 42,4% dự toán năm và giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Triển vọng tăng trưởng năm 2022
Trong năm 2022, khi tỷ lệ tiêm vaccine kì vọng đạt mức trên 70%, cùng với kinh nghiệm “sống chung với Covid”, các chuyên gia của Mirae Asset tin rằng Việt Nam sẽ đạt mức hồi phục 5,7% trong kịch bản cơ sở và 6,2% trong kịch bản khả quan.
Theo đó, Việt Nam sẽ có 3 động lực chính tăng trưởng chính trong năm 2022. Thứ nhất, dòng vốn FDI kì vọng tăng trưởng trở lại khi dịch được kiểm soát, khi Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của làn sóng FDI trên thế giới.
Nguồn: Mirae Asset
Tiếp theo, Việt Nam sẽ đẩy mạnh đầu tư công. Cuối cùng, xuất khẩu lấy lại đà tăng trưởng khi sản xuất trong nước quay trở lại hoạt động và nhu cầu bên ngoài hồi phục.
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ kinh tế, duy trì mặt bằng cho vay thấp, ổn định vĩ mô, và việc thúc đẩy chuyển đổi số chính phủ và doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong sự hồi phục của nền kinh tế Việt Nam.
Song, Việt Nam vẫn cần cảnh giác với một vài rủi ro chính với triển vọng tăng trưởng. Trước hết, số ca nhiễm có thể tăng khi Việt Nam mở cửa kinh tế trở lại và diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên thế giới.
Tiếp theo, việc triển khai tiêm vaccine của Việt Nam chậm hơn kỳ vọng. Ngoài ra, lĩnh vực dịch vụ du lịch, hàng không sẽ mất nhiều năm để hồi phục.Theo đó, tiêu dùng nói chung được nhận định là sẽ kéo đà tăng trưởng chung của nền kinh tế.