Tỉnh Thái Nguyên sẽ phát triển, mở rộng 11 khu công nghiệp (KCN) và 1 khu công nghệ thông tin tập trung, phát triển 41 cụm công nghiệp. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng được đề ra ở Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt (gọi tắt là Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên).
Mở rộng hàng loạt khu công nghiệp
Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên xác định mục tiêu tổng quát phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để đưa tỉnh Thái Nguyên phát triển nhanh, toàn diện, bền vững, trở thành một trong những tỉnh phát triển ở miền Bắc. Đến năm 2025, tỉnh Thái Nguyên là một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh của vùng trung du miền núi phía Bắc và vùng thủ đô Hà Nội.
Phấn đấu đến năm 2030, Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại của vùng thủ đô Hà Nội gắn với phát triển bền vững, có sức lan tỏa, tác động đến phát triển công nghiệp toàn vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; trong đó chú trọng phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với các nhóm ngành, sản phẩm công nghiệp hiện đại, chuyên môn hóa cao tại các công đoạn có giá trị cao trong chuỗi giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, phát triển các cụm ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, điện tử và sản xuất kim loại; ưu tiên phát triển các nhóm ngành, sản phẩm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, thân thiện với môi trường.
Khu công nghiệp Điềm Thụy. Ảnh: MINH PHONG
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), cho rằng Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên xác định hướng đi rõ ràng về phát triển công nghiệp cho địa phương này. Bởi đây vốn dĩ là thế mạnh với những nền tảng sẵn có khi Thái Nguyên trong nhiều năm gần đây là điểm sáng trong phát triển công nghiệp, thu hút các nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là dòng vốn FDI với hàng loạt "ông lớn" đang hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo GS-TSKH Nguyễn Mại, Thái Nguyên cần nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng thứ hạng về chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PCI) và đầu tư bài bản cho hạ tầng gồm cả hạ tầng giao thông và hạ tầng khu công nghiệp, thực tế Thái Nguyên để trở thành động lực phát triển của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.
Ông Hà Văn Dương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tỉnh Thái Nguyên, cho biết hiện nay toàn tỉnh có 5 KCN với tổng diện tích 1.471 ha. Để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thái Nguyên trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại, thông minh, ông Hà Văn Dương cho biết theo định hướng quy hoạch vừa được Chính phủ phê duyệt, tỉnh sẽ tập trung phát triển, mở rộng 11 KCN và 1 khu công nghệ thông tin tập trung, với tổng diện tích là 4.245 ha; phát triển 41 cụm công nghiệp, với diện tích 2.067 ha.
Bên cạnh hạ tầng về KCN, cụm công nghiệp, quy hoạch xác định tỉnh Thái Nguyên xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối với hệ thống giao thông của vùng, quốc gia để thu hút đầu tư, phát triển mạnh về công nghiệp. Đáng chú ý trong đó có tuyến cao tốc vành đai V vùng thủ đô Hà Nội, trong giai đoạn 2021-2025 sẽ là đường cấp II, 4 làn xe và đường đô thị 6 làn xe.
Tập trung thu hút nguồn lực đầu tư
Ngoài ra, để thực hiện mục tiêu theo quy hoạch đề ra, vấn đề huy động nguồn lực là rất quan trọng. Theo đó, Thái Nguyên xác định thời gian tới sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách và đầu tư công. Sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách trung ương, địa phương và các nguồn vốn huy động khác để đầu tư các dự án trọng điểm. Cùng với đó, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao PCI; tập trung thu hút phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, chế biến nông, lâm sản có lợi thế cạnh tranh của tỉnh; các ngành mũi nhọn như công nghiệp điện, điện tử, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.
Hạ tầng khu công nghiệp được đầu tư mạnh giúp Thái Nguyên thu hút nhiều nhà đầu tư thời gian qua. Ảnh: MINH PHONG
Về vấn đề nguồn lực, Giám đốc Sở KH-ĐT Hà Văn Dương cho hay cơ quan này đã tham mưu tỉnh tổ chức công khai quy hoạch để kêu gọi, thu hút đầu tư các nguồn lực thực hiện quy hoạch. Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương triển khai và thực hiện quy hoạch tỉnh trong ngành, lĩnh vực, địa bàn mình quản lý. Trong đó tập trung xây dựng kế hoạch triển khai, thu hút đầu tư theo quy hoạch, đặc biệt là các ngành, lĩnh vực trọng điểm, các dự án lớn, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội.
Là cơ quan chủ trì thẩm định Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên trước khi được Chính phủ thông qua, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh Thái Nguyên cần tận dụng các tiềm năng, lợi thế sẵn có để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp. Đặc biệt, Bộ trưởng cho rằng khi thực hiện quy hoạch, Thái Nguyên cần mở rộng, đa dạng việc thu hút các doanh nghiệp, các nguồn lực đầu tư để không phụ thuộc vào một số doanh nghiệp lớn. Trong quy hoạch tổng thể quốc gia nói chung, Bộ trưởng cho biết Thái Nguyên cũng như vùng trung du và miền núi phía Bắc sẽ tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ. Bên cạnh đó, nghiên cứu xây dựng vành đai Bắc Giang - Thái Nguyên - Phú Thọ trở thành vành đai động lực thúc đẩy tăng trưởng.
Nhiều dự án tỉ "đô"
Năm 2023, tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 900 triệu USD, trong đó vốn đầu tư đăng ký đạt 400 triệu USD và vốn đầu tư thực hiện đạt 500 triệu USD. Tính đến hết tháng 2-2023, địa phương này có 173 dự án với tổng số vốn đăng ký trên 10,292 tỉ USD. Gần nhất vào 8-3 vừa qua, tỉnh Thái Nguyên và Tập đoàn Sunny đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác về thực hiện dự án đầu tư về sản xuất các sản phẩm, linh kiện quang học có quy mô 2-2,5 tỉ USD, doanh thu hằng năm dự kiến 5 tỉ USD, thu hút 15.000 lao động thường xuyên.