Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) cho biết đã phát hiện thêm 40 nhãn hàng vẫn đang quảng cáo trong các video có nội dung xấu độc, như Kem Merino, Đại học quốc gia Hà Nội, Nha khoa Paris, Trang sức phong thủy Gia An…
Cục này cho biết đã gửi công văn đến cho các nhãn hàng, thương hiệu yêu cầu dừng ngay quảng cáo trong các clip phản động chống phá nhà nước và hạn trả lời công văn ngày 27-6. Cơ quan này khẳng định sẽ xử lý nghiêm những trường hợp đã được cảnh báo nhưng vẫn cố tình vi phạm.
Ảnh minh họa
Ngoài ra, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cũng cho biết tính đến ngày 19-6, có 15 trong tổng số 21 công ty trước đó bị phát hiện gắn vào quảng cáo trong các video trên các kênh Youtube có nội dung xấu độc đã gửi tường trình lên cục theo đúng yêu cầu của đơn vị này. Trong đó, có các doanh nghiệp như Samsung Vina, FPT Shop, Yamaha, Công ty CP Dược phẩm Thái Minh, Công ty CP Dược mỹ phẩm CVI, Grab, Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản, Shopee,…
15 công ty này khẳng định đã lập tức dừng quảng cáo trên các kênh Youtube và yêu cầu Youtube rà soát không để tình trạng hiển thị các quảng cáo trên các clip phản động, ngay sau khi nhận được yêu cầu từ Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử.
Ngay từ đầu năm 2017, Bộ TT-TT đã phát hiện tình trạng quảng cáo sản phẩm, dịch vụ của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, kể cả một số thương hiệu toàn cầu được gắn trong các video có nội dung xấu độc, phản động vi phạm pháp luật Việt Nam phát trên mạng xã hội Youtube thông qua dịch vụ quảng cáo của Google, trong đó có sản phẩm dịch vụ của nhiều doanh nghiệp. Bộ cũng chỉ ra dòng tiền quảng cáo này được Google chia sẻ cho các đối tượng sản xuất clip xấu độc, phản động.
"Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về quảng cáo, là nguy cơ đáng lo ngại, gây ảnh hưởng đến sự an toàn, uy tín của thương hiệu, doanh nghiệp" - Bộ TT-TT nhận định.
Thống kê của Bộ TT-TT cho thấy thị trường quảng cáo online tại Việt Nam trị giá khoảng 400 triệu USD. Hơn 70% doanh thu này đổ vào túi của Facebook và Google. Trong đó, riêng Google thu về khoảng 150 triệu USD/năm từ dòng tiền quảng cáo tại Việt Nam nhưng không có đại diện hợp pháp nào.