"Quên" hàng chục tỷ đồng ở nhiều dự án "đắp chiếu"
Kết luận thanh tra số 72 ngày 22/01/2019 của Thanh tra Bộ Tài chính cho thấy, ACV có sai phạm khi chưa xử lý để thu hồi 16,07 tỷ đồng đã ứng và thanh toán cho các nhà thầu của một số hạng mục đã dừng thi công.
Điển hình như tại Cty TNHH phát triển công nghệ BTK chưa thu hồi số tiền hơn 1 tỷ đồng, tiếp đó là Cty CP Công trình và Thương mại giao thông vận tải ACV cũng "quên" thu hồi 8,85 tỷ đồng.
Ngoài ra, Cty CP Đầu tư phát triển nhà Hà Nội số 30 được ACV ứng 6,2 tỷ đồng để xây dựng hệ thống tường rào, đường công vụ Cảng hàng không Vinh từ năm 2012 nhưng cho đến thời điểm thanh tra (tháng 7/2018), dự án này chưa triển khai và đang tạm dừng thi công.
Tại Cty CP dịch vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) do ACV nắm giữ 48% vốn điều lệ đã thực hiện việc xóa nợ phải thu khó đòi chưa đúng quy định số tiền 26,1 tỷ đồng tại Cty cho thuê Tài chính II - Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (ALC II) số tiền 20,6 tỷ đồng và Cty CP Hàng không Mêkông 5,5 tỷ đồng.
Kết luận thanh tra đã chỉ rõ việc xóa nợ chưa đúng với các quy định, thông tư, hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Đối với khoản chệnh lệch thu, chi từ hoạt động của khu bay phát sinh trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2018 với số tiền hơn 573,4 tỷ đồng, trong đó, chênh lệch thu, chi khu bay số tiền 565,9 tỷ đồng, khoản lãi tiền gửi sau thuế thu nhập doanh nghiệp chênh lệch thu, chi khu bay 6/2018 là hơn 7,5 tỷ đồng.
Tổng giám đốc ACV phải chịu trách nhiệm về nhiều sai phạm
Trước đó, tháng 1/2019, Thanh tra Chính phủ (TTCP) có Thông báo số 27 kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản, cổ phần hóa, thoái vốn và tái cơ cấu ACV.
TTCP nêu rõ, trách nhiệm của Tổng giám đốc ACV trong việc ghi tăng giá trị tài sản khi chưa đủ điều kiện theo quy định, thiếu hóa đơn, chứng từ, thực hiện trích khấu hao tài sản cố định không đúng quy định số tiền 70,413 tỷ đồng.
Trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến năm 2014, ACV đã thực hiện trích trước và trích vượt tiền thuê đất..., dẫn đến phải nộp bổ sung vào ngân sách nhà nước (NSNN) số tiền 309 tỷ đồng, trích quỹ đầu tư phát triển để lại ACV 132,44 tỷ đồng. Kết luận nêu, trách nhiệm thuộc về Tổng giám đốc ACV.
Ngoài ra, theo báo cáo của ACV, Dự án xây dựng nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài do ACV thực hiện đầu tư theo Quyết định số 2499 ngày 27/8/2009 và Quyết định số 2863 ngày 04/10/2010 của Bộ GTVT, trong đó nguồn vốn để thực hiện đầu tư dự án, bao gồm nguồn vay ODA, vốn ACV và ngân sách nhà nước để thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.
TTCP khẳng định, ACV thu phí ô tô ra vào sân bay không đúng quy định. Ảnh: M.Đ
Dù tại thời điểm thanh tra, dự án đã được đưa vào sử dụng thế nhưng phía ACV chưa nộp vào NSNN số tiền 291,7 tỷ đồng tương ứng với diện tích đất giao không thu tiền sử dụng đất xác định trên 400.000 m2.
Đối với Gói thầu 10A, 10B thuộc Dự án xây dựng nhà ga hành khách T2, sử dụng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản, khi tổ chức đấu thầu rộng rãi thì chỉ có một nhà thầu tham dự với giá bỏ thầu cao hơn giá gói thầu đã được phê duyệt.
TTCP kết luận gói thầu 10A, 10B được đấu thầu nhưng không có tính cạnh tranh về kỹ thuật, năng lực và giá gói thầu. Tổng giá trị trúng thầu của nhà thầu cao hơn giá dự toán là hơn 1,4 tỷ đồng.
Năm 2018, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã kiến nghị Bộ GTVT và ACV chỉ đạo xử lý trách nhiệm các cá nhân, tập thể và tổ chức có liên quan đến khoản tiền 3.600 tỷ đồng sai phạm trong việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản, cổ phần hóa, đầu tư xây dựng ở ACV.
Theo bản Kết luận của TTCP, trong hai năm 2014 và 2015, ACV đã ký 803 hợp đồng cho thuê mặt bằng nhà ga với tổng diện tích 120.221 m2, tổng số tiền thu về là 701,1 tỷ đồng. Tất cả trường hợp này đều được thực hiện bằng hình thức chỉ định thầu, không qua đấu thầu, đấu giá công khai.