BCTC hợp nhất quý 4/2019 của Eximbank ghi nhận khoản lỗ gần 8 tỷ đồng trong quý cuối cùng của năm .
Việc bị lỗ trong quý 4 của Eximbank chủ yếu do thu nhập lãi thuần không những không cải thiện so với cùng kỳ mà còn sụt giảm 11,4%. Mặc dù ngân hàng đã cắt giảm mạnh chi phí hoạt động (giảm 35%), nhưng chi phí dự phòng cũng tăng mạnh 47% lên 591 tỷ đã khiến ngân hàng lỗ gần 8 tỷ trong quý 4.
Dù vậy, lũy kế cả năm 2019, LNTT của Eximbank vẫn đạt 1.095 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ. Đáng chú ý rằng, nguồn thu từ hoạt động kinh doanh chính là tín dụng lại tăng trưởng rất thấp: thu nhập lãi thuần chỉ tăng vỏn vẹn 13 tỷ đồng lên 3,220 tỷ.
Động lực tăng trưởng chính của Eximbank năm 2019 vẫn là từ nguồn thu ngoài tín dụng (dịch vụ, mua bán chứng khoán, kinh doanh ngoại hối). Đồng thời, ngân hàng giảm chi phí hoạt động (giảm 6,9% xuống 2.700 tỷ, giảm nhẹ chi phí dự phòng 4,6% xuống 690 tỷ.
Cuối năm 2019, tổng tài sản của ngân hàng là 167.538 tỷ đồng, tăng 9,8% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 8,9% đạt 113.255 tỷ, huy động tiền gửi khách hàng tăng 17,3% đạt 139.278 tỷ đồng. Nợ xấu nội bảng tại ngày 31/12/2019 là 1.933 tỷ, tăng 12 tỷ so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay giảm từ 1,84% xuống còn 1,7%.
Ngoài Eximbank, Saigonbank cũng bị lỗ tới 40 tỷ trong quý 4/2019
Trong khi tổng thu nhập quý 4 chỉ tăng 6,4% lên 257 tỷ thì chi phí hoạt động của Saigonbank lại tăng mạnh tới 23% lên 154 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh quý 4/2019 chỉ đạt 102 tỷ, giảm so với mức 115.6 tỷ đồng cùng kỳ.
Lợi nhuận chỉ đạt 102 tỷ nhưng Saigonbank trích lập dự phòng tới 142 tỷ khiến quý 4/2019 vẫn bị lỗ 40 tỷ (trước thuế).
Song nhờ kết quả khả quan của 3 quý trước, cả năm 2019, lợi nhuận trước thuế ngân hàng vẫn đạt 181 tỷ, tăng 3,4 lần so với năm 2018.
Năm 2019, cho vay khách hàng của Saigonbank tăng 6,4% lên 14.557 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 6,7% đạt 15.668 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của Saigonbank giảm đáng kể từ mức 2,2% của đầu kỳ xuống còn 1,94%.
Nhìn chung, mặc dù bị lỗ trong quý 4/2019 nhưng mức lỗ của Eximbank và Saigonbank vẫn còn thấp hơn so với quý 4/2018. Quý cuối cùng năm 2018, Eximbank bị lỗ tới 309 tỷ, Saigonbank bị lỗ 69 tỷ.
Trước đó, không chỉ Saigonbank và Eximbank mà Kienlongbank cũng báo lỗ khá lớn (120 tỷ đồng) trong quý cuối cùng của năm. Khoản lỗ này chủ yếu do thu nhập lãi thuần của ngân hàng trong quý 4 giảm tới 53% xuống còn 115,7 tỷ đồng.