Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, mã chứng khoán MBB) vừa công bố kết quả hoạt động năm 2021.
Tính đến hết năm 2021, quy mô tổng tài sản của MB và các công ty con (MB Group) đạt 607 nghìn tỷ đồng, tăng 22,7% so với năm 2020. Lợi nhuận hợp nhất ở mức 16.527 tỷ đồng.
Với kết quả này, MB nằm trong nhóm ngân hàng thương mại TOP đầu về các chỉ số hiệu quả, chất lượng hoạt động. Chỉ số ROA (lợi nhuận trên tổng tài sản) và ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) hợp nhất của Ngân hàng lần lượt đạt 2,4% và 23,49%.
Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng hợp nhất duy trì ở mức thấp, chỉ 0,9%, riêng ngân hàng là 0,68%. Đáng chú ý, Quỹ dự phòng bao phủ nợ xấu riêng Ngân hàng MB gần 400%, hợp nhất gần 268% (gần 300%) - là 1 trong 2 ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất toàn ngành, cùng với Vietcombank.
Các giới hạn an toàn được đảm bảo theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong đó riêng Hệ số an toàn vốn CAR ở mức 11%. Casa tăng trưởng ấn tượng, dẫn đầu thị trường, tỷ lệ tăng từ 41% lên 49%, quy mô casa đạt gần 190 nghìn tỷ. Tỷ lệ CIR giảm 5,7% trong năm 2021.
Bên cạnh sự tăng trưởng vượt bậc của ngân hàng mẹ, các công ty thành viên của Tập đoàn cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao năm 2021, với tổng doanh thu của 6 công ty thành viên ước đạt 18.221 tỷ đồng, tăng 48,8% so với cùng kỳ, hoàn thành 104,3% kế hoạch. Trong đó, Công ty tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit) sau 5 năm thành lập đã vươn lên vị trí TOP 3 về thị phần.
Hoạt động đầu tư và hợp tác quốc tế tiếp tục ghi nhận những dấu ấn mới trong năm 2021. Đầu tháng 12/2021, MB chính thức lựa chọn Ngân hàng Shinsei (Shinsei Bank) – Ngân hàng có bề dày kinh nghiệm hơn 50 năm tại Nhật Bản, làm đối tác chiến lược để cùng triển khai liên doanh ngân hàng thương mại tại Campuchia. Năm 2022, MB dự kiến sẽ triển khai các thủ tục chuyển đổi Chi nhánh Campuchia thành Ngân hàng con tại quốc gia này nhằm tiếp tục hiện thực hóa mục tiêu đưa Ngân hàng trở thành tập đoàn tài chính đa quốc gia, trước mắt tập trung vào thị trường Đông Nam Á.
Đặc biệt, năm 2020, MB gây ấn tượng với toàn thị trường khi tăng trưởng đột phá về số lượng khách hàng với khoảng 2 triệu người dùng mới. Đến năm 2021, con số này tiếp tục bứt phá khi App MBBank ghi nhận khoảng 6,3 triệu người dùng mới, lũy kế đạt 9,5 triệu người dùng, tăng gấp 3,2 lần so với năm 2020. "Đến nay, giao dịch trên kênh số tại MB chiếm khoảng 92%. Tỷ trọng giao dịch số đứng trong nhóm đầu của châu Á. Chúng tôi đang không ngừng hoàn thiện hệ sinh thái số, mục tiêu từng bước cung cấp cho khách hàng trải nghiệm ngân hàng số 4.0, dẫn đầu về số hóa" – đại diện MB cho biết.
Trước đó, tại hội nghị của MB tổ chức hôm 7/1, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Phạm Tiến Dũng từng nhận xét, "Hiếm có ngân hàng nào chuyển đổi số nhanh, tốc độ như MB". Ông cũng cho biết, năm 2021, MB là ngân hàng phát sinh giao dịch lớn nhất trong hệ thống chuyển tiền liên ngân hàng 247 ở Việt Nam. "Đặc biệt, tại MB, đánh giá hồ sơ tín dụng tự động hoàn toàn trên kênh số chiếm khoảng trên 30%. Đây là con số rất ấn tượng đối với một ngân hàng tại Việt Nam" – ông Dũng chia sẻ thêm.
Ngoài ra, là ngân hàng tiên phong trong hoạt động chia sẻ, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, năm 2021, MB đã tiết giảm chi phí và cắt giảm hơn 612 tỷ đồng lợi nhuận để triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ tín dụng cho khách hàng, như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi suất cho vay, phí dịch vụ... Theo đại diện MB, ngân hàng đã cho vay mới hơn 347,5 nghìn tỷ đồng cho khách hàng gặp khó khăn với mặt bằng lãi suất cho vay nằm trong nhóm thấp nhất thị trường. Theo thống kê của NHNN, MB là NHTM đứng TOP đầu hệ thống NHTM cổ phần về quy mô dư nợ miễn, giảm lãi, hạ lãi suất.